Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phục hồi rừng tự nhiên phải có thời gian

Mai Loan 03/11/2020 10:51

Giải trình trước vấn đề các ĐBQH đặt ra về tỷ lệ che phủ rừng hiện nay của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đến nay tổng diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, còn rừng trồng là 4,3 triệu ha.

Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khi nói về tỷ lệ che phủ rừng đã cho biết, năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Trong vòng 30 năm đất nước GDP còn thấp như vậy nhưng chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững. Phát triển rừng trọng yếu để phát triển môi trường. Cho đến nay ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%. Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và hệ thống chính trị.

Chính vì thế, về nguyên liệu trong 4,3 triệu ha rừng chúng ta đã sản xuất ra nguyên liệu 30 triệu m3 để xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp 4.600 doanh nghiệp chế biến. Năm nay chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD lâm sản.

Về rừng tự nhiên theo Bộ trưởng Cường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn có chính sách để bà con trồng và giữ hơn 1 triệu ha rừng. Trước đây, chính sách khoán là 50.000đ/ha bây giờ nâng lên 250.000đ/ha. Tuy nhiên Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu ha nữa mới đảm bảo chất lượng khu vực 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Cùng với đó là chính sách chi trả môi trường rừng, mỗi năm xã hội hóa được 3.000 tỷ đồng.

Ngày 20/10, Việt Nam chính thức ký với đối tác về cácbon của thế giới, chúng ta bán được 10 triệu m3 CO2. Mỗi m3 là 5 USD, thế giới cũng thừa nhận Việt Nam tham gia sự phát triển bền vững. Đây là cam kết của Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam quyết tâm tăng cường phát triển bền vững.

Tuy nhiên mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa. Bởi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng miền Trung. Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian từng bước.

Vấn đề hạn, xâm nhập mặn của Tây Nam Bộ, theo Bộ trưởng Cường đang là thách thức chung của chúng ta. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết mang tính bao trùm. “Có một tin vui là chúng ta từ chỗ phát triển theo hướng khai thác, nặng về tự nhiên sang hướng thích ứng, thuận thiên. Chúng ta có 1,8 triệu ha đất trồng lúa đã chuyển 400 nghìn ha sang cơ cấu trồng cây ăn quả. Đây là bước tiến trong lĩnh vực nông nghiệp của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế những năm vừa qua chúng ta tăng sản lượng xuất khẩu ở chính khu vực này”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm: Chúng ta tái cơ cấu lại theo từng thời vụ, năm vừa qua hạn mặn nặng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sớm nên né được một phần và đảm bảo cho vụ Đông Xuân kết quả cao. Tuy nhiên vụ Thu Đông vào khoảng 7 nghìn ha ở ven biển, mưa nhiều bị mất mùa vì thóc nảy mầm ngay trên ruộng.

Về hướng trong thời gian tới với Tây Nam Bộ, Bộ trưởng cho biết: Một mặt tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ vào thị trường, căn cứ vào nguồn nước để bố trí lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thủy sản lên trên hết, cây ăn quả là thế mạnh, lúa gạo thì tái cơ cấu lại, đi theo từng vùng, vùng thượng nguồn, vùng giữa và vùng ven biển, căn cứ vào đó để chúng ta cùng thích ứng. Cùng với đó là khoa học công nghệ, kết hợp với kinh nghiệm dân gian để theo đúng phương châm “Thủy Tinh dâng đến đâu, Sơn Tinh dâng đến đấy”.

Mai Loan