Bệnh khảm lá trên cây sắn

H.Nhị 05/11/2020 08:00

Trong những tháng gần đây, bệnh khảm lá trên cây sắn (hay cây khoai mì) lại xuất hiện trở lại trên hàng nghìn ha và gây thiệt hại cho nông dân trồng sắn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đặc biệt, năm nay số diện tích sắn bị nhiễm bệnh cao hơn nhiều so với 2 năm trước (2018-2019).

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ngụ ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đang trồng 100ha sắn, với các loại giống HL-S11, KM140 và giống Tai đỏ đã được hơn 5 tháng tuổi, còn khoảng 3 tháng nữa là được thu. Thế nhưng, đến nay 100 ha diện tích trồng sắn của gia đình ông đều đã bị nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ khá nặng, với tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng 80%.

Ông Thành cho biết, gia đình ông đã có gần 20 năm làm nghề trồng sắn, với 100ha này hoàn toàn ông phải đi thuê để trồng, với chi phí từ 10 đến 15 triệu đồng/ha/năm (tùy khu vực đất tốt, xấu), cộng với các chi phí khác như giống, phân, thuốc, công làm, mỗi năm chi phí cho một hécta trồng sắn gia đình ông phải tốn từ 20-25 triệu đồng. Nếu sắn phát triển tốt thì mỗi ha gia đình ông sẽ bán được từ 30-35 triệu đồng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh khảm lá bùng phát mạnh như năm nay, gia đình ông có nguy cơ thất thu nặng nề.

Ông Thành cũng chia sẻ thêm, nếu như bệnh khảm lá trên cây sắn bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Xuyên Mộc vào năm 2018, lúc ấy vườn của gia đình ông tỷ lệ nhiễm chỉ vào khoảng 5-10%, đến năm 2019 tỷ lệ nhiễm là 10-20%, thì năm nay tỷ lệ nhiễm đã lan ra toàn vườn với khoảng 80%, tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc, đến thời điểm này số diện tích bị nhiễm khám lá sắn trên địa bàn huyện là trên 1.000/3.274ha, với tỷ lệ nhiễm từ 5-90%. Đây là địa phương có số diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại huyện Châu Đức hiện cũng đã có 63/2.015ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, với 18ha diện tích bị nhiễm nặng.

Theo bà Vũ Thị Qúy Trang, Phó trưởng Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có gần 1.200/7.354 ha trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, hầu hết số diện tích này sắn đang trong giai đoạn nuôi củ, với tỷ lệ nhiễm từ 30% trở lên.

Bà Trang cũng nhận định, năm nay diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá cũng cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Nếu như năm 2018, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá là 133ha, năm 2019, diện tích bị nhiễm là 60ha, thì nay đã tăng lên chóng mặt. Bệnh khảm lá hiện không có thuốc để phòng trừ, tốc độ lây lan rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến năng suất của sắn.

Trước tốc độ lây lan của bệnh khảm lá sắn, nhiều năm nay cơ quan chức năng của tỉnh đã khuyến cáo người dân từ khâu chọn giống, đó là không nên mua, bán giống sắn từ các tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá; không trồng giống sắn dễ bị nhiễm bệnh, không kháng được bệnh khảm lá như HLS11, HLS 12. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều người dân lựa chọn 2 giống này để trồng vì hàm lượng tinh bột rất cao.

Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiêu hủy và nhổ bỏ khoảng 8,5ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ nặng. Ngoài ra, hiện nay Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng dẫn người dân ngoài nhổ bỏ, tiêu hủy khi phát hiện cây sắn mắc bệnh nặng, thì thực hiện các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.

H.Nhị