Đại biểu Quốc hội nói gì về xả lũ?
Ngày 3/11, tại hội trường, ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá) đặt vấn đề: Tại sao vẫn có việc xả lũ đúng quy trình nhưng người dân vùng hạ du vẫn bị bất ngờ, vẫn bị thiệt hại về sản xuất, mất mát sản phẩm, hư hỏng tài sản?
Ông Diến cho rằng: Lũ lụt miền Trung hiện nay cho thấy tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây thiên tai, mưa lũ, hạn hán xâm nhập mặn ở nước ta đang trở nên bất thường và ngày càng khắc nghiệt. Việc bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và mưa lũ kết hợp với biến động địa chất đặt ra thách thức ngày càng lớn. Những hệ thống bậc thang thủy điện với hồ chứa lớn trong mùa mưa năm 2016, 2017 phải xả lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập, tạo nên sự cố lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng cho nhiều vùng hạ lưu. Đến năm 2018, 2019 lại xảy ra hạn hán, lượng nước thiếu hụt tại các hồ chứa thủy điện, sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện trên cả nước sụt giảm. Bên cạnh đó, việc đảm bảo các yêu cầu cấp nước cho nông nghiệp những tháng của mùa khô đã gặp rất nhiều khó khăn mà tính chất mùa vụ của nông nghiệp và yêu cầu thâm canh trong sản xuất nông nghiệp quyết định đến năng suất và hiệu quả của sản xuất.
Ông Diến đặt vấn đề: Việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa có nhiều bất cập. Khi có lũ lớn thì quyền kiểm soát, vận hành được chuyển giao từ chủ đập sang cấp có thẩm quyền theo quy trình vận hành hồ đập. Tại sao vẫn có việc xả lũ đúng quy trình nhưng người dân vùng hạ du vẫn bị bất ngờ, vẫn bị thiệt hại về sản xuất, mất mát sản phẩm, hư hỏng tài sản thì rất cần có câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước cử tri và Quốc hội về những quyết định vận hành, điều tiết cắt giảm lũ như thời gian vừa qua?.
Ông Diến nhìn nhận, bản chất vấn đề quyết định vận hành điều tiết cắt giảm lũ hay xả nước phục vụ sản xuất trong vận hành liên hồ chứa là giải quyết vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa đảm bảo an toàn hồ, đập của chủ đập, bảo đảm an toàn vùng hạ lưu cho người dân và việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho ngành điện, ngành thủy lợi, đặt lợi ích nào lên trên hết. Trước hết cũng là câu hỏi của cử tri và đại biểu dân cử gửi tới các cơ quan chức năng trước Quốc hội nhằm bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng và trách nhiệm trong công tác vận hành.
Từ những luận điểm trên, ông đề nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn, đầy đủ thông tin trong việc điều tiết nước, nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Bên cạnh đó, các bộ, các địa phương liên quan và chủ đập phải xây dựng hoàn chỉnh bản đồ vùng hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắm chỉ giới quản lý để làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập. Xác định việc xả lũ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh đến đâu thì chủ đập giải phóng mặt bằng đến đó, không giải phóng mặt bằng mà xả lũ hoặc sự cố vỡ đập vượt mốc giới thì có cơ sở để xác định trách nhiệm đền bù của chủ đập đối với thiệt hại cho người dân và các địa phương vùng hạ lưu.
“Hiện nay hàng ngàn công trình hồ đập đã được đầu tư cố định trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đã rõ, nhưng biến đổi khí hậu tác động cụ thể như thế nào đến từng hồ đập thì chưa rõ. Do vậy, việc một số hồ chứa vận hành theo đúng quy trình nhưng vẫn xảy ra rủi ro hoặc trong tương lai sẽ xảy ra rủi ro do mực nước hồ vượt quá cao trình đập hay tường tránh sóng thì rủi ro mất ổn định về trượt và lực của đập bê tông hay mất ổn định mái của đập, loại đập xây dựng bằng vật liệu địa phương thì rủi ro vỡ đập là rất cao” - ông Diến nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến an toàn hồ đập, đưa ra giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn và nâng cao tuổi thọ các công trình. Xây dựng quy trình vận hành tối ưu, đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 tới đây.
Vị ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và các đơn vị quản lý trong việc vận hành các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi một cách an toàn, hiệu quả, nhất là thời điểm mưa lũ hoặc hạn hán. Các cơ quan chức năng các địa phương tăng cường giám sát việc phục hồi và trồng rừng kịp thời của chủ đầu tư thủy điện, thủy lợi, bảo tồn, cải thiện môi trường, bảo đảm loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, bảo đảm mật độ, bảo đảm được sự đa dạng sinh học, thảm thực vật và môi trường tương đương rừng tự nhiên.