Nuôi gà Mía làm giàu
Gà Mía là giống gà rất đặc biệt, là giống gà nội địa có nguồn gốc ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Chúng có thân hình to, nặng với lông có màu đỏ tiết, ngực và đùi của gà nở nang.
Mới đây, 11 đội đã tham gia tranh tài tại Hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ 1 năm 2020. Sau 2 ngày chấm thi và thẩm định, Ban Giám khảo đã công bố kết quả và trao phần thưởng cho 11 đội thi. Kết quả, giải đặc biệt thuộc về con gà trống thuộc Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây, với phần thưởng trị giá 10 triệu đồng.
Gà Mía là giống gà rất đặc biệt, là giống gà nội địa có nguồn gốc ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Chúng có thân hình to, nặng với lông có màu đỏ tiết, ngực và đùi của gà nở nang. Chỉ 4 tháng tuổi chúng đã có thể làm thịt được khi đã nặng hơn 2 kg với gà trống, còn gà mái nhẹ hơn một chút. Nuôi đến 6 tháng, gà Mía trống nặng hơn 3 kg còn con mái sẽ khoảng 2,4 kg.
Gà Mía đẻ khá muộn. Sau khoảng 8 tháng tuổi gà mái mới đẻ trứng, 1 năm được khoảng 50 quả. Thịt gà Mía thơm, ngọt, da gà giòn. Khả năng kiếm ăn của gà Mía khá tốt và đây cũng là giống gà có sức đề kháng cao.
Gà Mía nuôi từ 4 đến 6 tháng đã có thể bán được. Nhờ chất lượng thịt tốt được thị trường ưa chuộng nên giá của gà sẽ trên dưới 150.000 đồng/kg. Với gà Mía giống thì mức giá của nó khoảng từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/con.
Người nuôi gà mía cho biết, khi chọn gà giống phải chọn những con nhanh nhẹn, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, mỏ đều, không bị dị tật (như khoèo chân, hở rốn, mỏ vẹo, cánh xệ, xệ bụng)… Khi mua cũng lựa những con đồng đều về trọng lượng và nên mua từ một nguồn để đảm bảo chất lượng ổn định cũng như được tiêm phòng đầy đủ vaccine.
Khi dựng chuồng trại cho để nuôi gà Mía, cần lưu ý: Chuồng phải ở nơi đất cao ráo, thoáng mát và đảm bảo khoảng từ 1 đến 3 con mỗi m2. Dùng lưới B40 làm rào chắn xung quanh. Nếu không, có thể dùng lưới tre, hay gỗ đều được. Trong chuồng cần có nơi cho gà tắm và cũng cần đặt một số máng sỏi, cát và đá nhỏ xung quanh nơi chăn thả để gà tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Gà Mía thích ngủ trên cao nên khi dựng chuồng bà con cũng đừng quên tạo một số dàn đậu trong chuồng cho gà ngủ. Dàn đậu này nên cách nền khoảng 0.5m và cách nhau khoảng từ 0.3 đến khoảng 0.4m.
Gà Mía là giống gà có khả năng tự kiếm ăn cao. Tuy nhiên, khi nuôi nhốt có thể tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp như sắn, khoai, rau, ngô… cho gà ăn. Nhiều người còn trộn thêm cám gạo hoặc rau để gà không bị tích mỡ, thịt sẽ chắc và ngon hơn. Giun đất cũng là món “khoái khẩu” của gà Mía, giúp chúng tăng cân nhanh.
Khi gà còn nhỏ cần cho gà ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít và những ngày đầu nên cho chúng ăn cám, ăn ngô. Nếu dùng máng treo thì cần phải điều chỉnh độ cao đảm bảo phù hợp với gà để giúp gà ăn thoải mái và ít bị rơi vãi thức ăn.
Gà Mía là giống ưa sạch nên cần hết sức chú ý nước uống cho chúng để tránh bệnh tật. Đồng thời cần vệ sinh chuồng trại thường xuyên, nhất là máng ăn, máng uống để đảm bảo vệ sinh. Mỗi buổi sáng nên mở cửa để đón ánh nắng và tiêu diệt vi trùng, kí sinh trùng. Các lối đi trong chuồng gà, ở hành lang cần quét dọn thật sạch để ngăn ngừa bệnh tật cho gà. Mỗi tháng người nuôi cũng cần tẩy uế các dụng cụ chuồng trại.
Để phòng bệnh cho gà Mía, cần tiêm phòng vaccine đầy đủ cho chúng. Khi gà 1 ngày tuổi thì tiêm phòng bệnh Marek, Rumboro và dịch tả bằng cách nhúng ngập mũi. Khi gà 10 ngày tuổi thì phòng bệnh Gumboro cho gà bằng cách nhỏ mũi. Giai đoạn này cũng là thời gian bà con cần phòng bệnh đậu gà bằng cách tiêm xuyên da cánh gà. Khi gà 21 ngày tuổi, cần phòng bệnh dịch tả cho gà thông qua việc cho gà uống hoặc là nhỏ mũi. Giai đoạn gà 56 ngày tuổi bà con phòng bệnh dịch tả cho gà bằng cách cho gà uống vaccine.