Cẩn trọng khi mua nhà xây sẵn
Vì giá thành rẻ hơn hình thức mua đất rồi tự xây nhà, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã chọn mua nhà xây sẵn để sớm an cư. Câu nói “tiền nào của nấy” quả không sai khi nhiều trường hợp mua nhà xây sẵn mới 1-2 năm, nhưng lại đang sống như trong một căn chung cư cũ mấy chục năm.
“Ở khổng nổi, bán không xong” vì trót ham rẻ
Nhà xây sẵn bề ngoài trông rất đẹp và mới, nhưng khi sinh sống được 1-2 năm sẽ lộ ra nhiều bất cập. Khi nhận ra được vấn đề thì người mua hối không kịp vì đã “tiền trao cháo múc”.
Chị Anh Ngọc (Long Biên) là một trong những “nạn nhân” của việc mua nhà xây sẵn. Hiện tại, chị đang ở căn nhà 3 tầng, diện tích 40 m2 mà chị đã mua với giá 1,9 tỷ cách đây 2 năm.
Băn khoăn trong việc mua nhà xây sẵn hay mua đất rồi tự xây nhà, với số tiền 1,2 tỷ đồng đang có lúc bấy giờ, chị Ngọc lo lắng nếu mua đất xong sẽ không còn đủ tiền để xây nhà. Cuối cùng chị và chồng quyết định mua nhà xây sẵn vì cho rằng với giá 1,9 tỷ, có một căn nhà mới xây, đồ đạc sạch sẽ, sáng bóng là quá rẻ, hơn nữa chủ nhà cũng đồng ý bớt 50 triệu đồng “lấy lộc”.
“Vợ chồng chúng tôi cũng hơi lo vì nhà này do giới đầu tư mua đất rồi xây để bán lại kiếm lời nên trong quá trình thi công có thể họ sẽ sử dụng những nguyên liệu rẻ để tiết kiệm chi phí. Bề ngoài căn nhà đẹp nhưng về lâu dài chưa biết được chất lượng như thế nào.
Cuối cùng vì môi giới liên tục giục nếu không chốt nhanh sẽ có khách khác chốt, bản thân vợ chồng tôi cũng nhận thấy mức giá trên khá ổn nên đã nhanh chóng xuống tiền”, chị Ngọc hối hận kể lại.
Niềm vui ở nhà mới chưa được bao lâu thì chỉ sau một năm, nhà đã xuất hiện những vết nứt nhỏ ở tường, nhà ẩm ướt và bị thấm dột đặc biệt vào những ngày mưa gió.
“Mỗi lần mưa, trần nhà bị thấm nước, nước men theo trần nhỏ giọt dưới sàn. Mưa càng to, nước nhỏ xuống càng nhiều. Những nơi bị thấm ngày càng lan rộng, vết nứt ở tường cũng ngày càng to hơn. Những ngày mưa to, nhà cửa ẩm ướt, mùi mốc vô cùng khó chịu. Vợ chồng tôi đã thuê thợ sửa chữa, tốn kém nhiều nhưng chẳng ăn thua”, chị Ngọc chia sẻ.
Hiện tại nhà cửa xuống cấp nhanh, muốn bán cũng rất khó mà ở cũng không nổi.
Trách nhiệm thuộc về ai?
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Bất cứ một công trình nào khi xây dựng đều có hồ sơ thiết kế, vật liệu xây dựng ở các vị trí và kết cấu xây dựng. Những tiêu chí này phải được phê duyệt thì mới có thể thi công và trong quá trình thi công cần phải tuân thủ về mặt kỹ thuật”.
“Để biết căn nhà đảm bảo tiêu chuẩn hay không, cần xem xét bên nhà thầu thi công có tuân thủ về thiết kế? Nếu đã tuân thủ về thiết kế nhưng vẫn xảy ra tình trạng trên thì cần xem lại bản thiết kế đã hợp lý hay chưa”, PGS.TS Trần Chủng nói.
PGS.TS Trần Chủng cũng nhấn mạnh, chủ đầu tư phải có trách nhiệm tìm ra lỗi thuộc về ai, do nhà thầu hay do bên thiết kế. Bên cạnh đó, bên bán hàng phải chịu trách nhiệm trong khoảng thời gian bảo hành, phải trả lời được tại sao nhà xuống cấp.
Nếu bên bán không có trách nhiệm, người mua nhà có thể yêu cầu kiện các cơ quan quản lý tại địa phương, sở Xây dựng để được bên trung gian kiểm tra, đánh giá nguyên nhân nhà xuống cấp, từ đó là quy ra được trách nhiệm thuộc về ai.
Đưa ra lời khuyên cho những ai có ý định mua nhà xây sẵn, PGS.TS Trần Chủng nói: “Hiện nay, khi bán những sản phẩm này, Việt Nam chưa có những quy định về chứng chỉ chất lượng sản phẩm, nên người mua rất khó để biết đâu là căn nhà đảm bảo chất lượng, chỉ đến xem và thấy ưng ý là chọn mua nhưng không hiểu rõ thực chất bên trong ra sao. Vì vậy, không nên ham rẻ, bởi hiển nhiên không có căn nhà nào vừa đẹp, vừa chất lượng mà giá cả lại thấp. Ngoài ra, cần chọn nhà đầu tư có uy tín, xem nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công là ai, để lỡ gặp phải vấn đề thì vẫn có bên đứng ra chịu trách nhiệm”.