Thủy điện làm mất rừng khiến lũ nặng nề hơn
Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường. Tại đây, đại biểu nêu ra nhiều vấn đề nóng, cần có giải pháp giải quyết thích hợp. Trong đó, việc mất rừng do làm thủy điện, thủy điện xả lũ khiến người dân gặp khó khăn, nguy hiểm đã nhận được nhiều quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng, trong điều kiện khó khăn về sản xuất kinh doanh thì nông nghiệp được xem là giá đỡ của nền kinh tế.
Nhưng qua đợt ngập lụt vừa qua, nhiều đầm tôm, các điểm nuôi trồng thủy sản bị ngập tràn, các loại thủy sản thoát ra ngoài, nhiều diện tích lúa ngập sâu, không thu hoạch được, hoa màu, cây ăn trái bị ngập úng, hư hại.
Từ đó ông Hận kiến nghị, Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ về thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt vừa qua. Không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở các lĩnh vực khác như dịch vụ thương mại, thiệt hại về cơ sở hạ tầng để qua đó, chúng ta đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, đúng thực trạng về đời sống của nhân dân.
Phải đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp
Cùng chung quan điểm, theo ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), tuy việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nông nghiệp không giống như công nghiệp và dịch vụ, song hoàn cảnh đất nước có nguy cơ bị đe dọa và thị trường thế giới bị thu hẹp, đóng cửa thì sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản.
Điều này không chỉ khẳng định vai trò nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn chứng tỏ nông nghiệp là trụ đỡ đặc biệt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội.
Bởi vậy, phải quy hoạch một cách khoa học và quản lý chặt chẽ quy hoạch đất nông nghiệp, quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng nông sản của hàng hóa. Phát triển nông nghiệp phải gắn chặt với phát triển công nghiệp, tạo thành hệ thống bổ sung tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.
Đưa ra kiến nghị để phát huy những giá trị của nông nghiệp, ông Phương nói: “Cần tiếp tục nghiên cứu để chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, hạn hán, ngập mặn sang nuôi trồng thủy, sản xuất các loại cây hàng hóa khác.
Đầu tư nghiên cứu các bộ giống thích ứng với biến đổi khí hậu, giá trị kinh tế cao. Thúc đẩy hợp tác phát triển hợp tác xã, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp”.
Ông Phương kiến nghị giai đoạn 2021-2025 cần có sự thay đổi về đầu tư, đặc biệt đầu tư hạ tầng cho ngành nông nghiệp để chuyển đổi sang ngành nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với xu thế phát triển, vừa góp phần tăng giá trị và là chỗ dựa cho phát triển.
Lo thủy điện, rừng
ĐB Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) cho biết, theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11% và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.
Trong nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đã đưa ra giải pháp xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp phát triển kinh tế vùng, lấy phân vùng làm cơ sở để đầu tư phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng miền núi, nơi có rừng đầu nguồn để đầu tư các nguồn lực hỗ trợ.
5 bài toán chiến lược
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng: Kế hoạch phát triển kinh tế 2021-2025 sẽ được thảo luận và thông qua tại đại hội Đảng lần thứ XIII với khát vọng gắn với các mốc năm 2030, năm 2045. Để chuẩn bị cho đổi mới, để đất nước “cất cánh” bay nhanh hơn trở thành nước phát triển.
Nếu cứ loay hoay trong cất cánh thì khát vọng vẫn chỉ là khát vọng. Do đó cần quan tâm đến 5 bài toán là: Tăng trưởng; ngân sách; nhà nước pháp quyền; quyền dân và huy động sức dân; bảo vệ an ninh chủ quyền. Muốn vậy theo ông Nghĩa cần có bộ máy liêm khiết, biết phát huy sức mạnh của nhân dân để tăng trưởng phải nhanh, bền vững và tự chủ.
Khai thác thị trường nội địa trong thị trường 100 triệu dân. Củng cố niềm tin chiến lược với các nước phát triển. Xử lý các dự án “trùm mền” thua lỗ hàng trăm tỷ. Tăng cường kiểm soát quyền lực, và Đảng phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Tuy nhiên, trước những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai. Bà Phương đề nghị: “Chính phủ có chính sách sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, có nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Là ĐB ở miền Trung nơi vừa bị ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai bão lũ gây sạt lở lớn, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị cần rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong phạm vi cả nước, để xem tác động thế nào đến môi trường, tác động thế nào đến thiên tai.
Nhấn mạnh “thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn”, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng đề nghị Quốc hội cần tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, nhất là kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến chế độ dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.
Giải trình về vấn đề rừng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chủ trương phát triển rừng trọng yếu để bảo vệ môi trường là quan điểm xuyên suốt. Cho đến nay ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%.
Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và hệ thống. Về rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn có chính sách để bà con giữ rừng, có chế độ ngày càng tăng lên. Tuy nhiên mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa và cần có thời gian.
Đừng để dự án lỗi hẹn lần thứ 9
Liên quan đến dự án Cát Linh - Hà Đông, ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là dự án được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có nhiều lần chất vấn Bộ GTVT.
Do đó đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ 9, không để kéo quá dài, gây bức xúc dư luận.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, giúp tránh ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Bộ GTVT, TP HCM, Hà Nội đã làm chủ đầu tư nhiều dự án.
Tuy nhiên thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ. Qua các dự án hiện nay cũng rút ra những bài học hết sức sâu sắc. Thứ nhất là việc quy hoạch; thứ hai là trong quá trình lựa chọn đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu.
“Chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm để chúng ta lựa chọn công nghệ, nhà thầu tốt và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các dự án AVC, nhưng dự án mà chúng ta phải giải phóng mặt bằng xong, cần phải có giải pháp rõ ràng từ đó xác định giá trị tránh tình trạng phải điều chỉnh giá. Đường sắt đô thị là hướng đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn. Việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội để bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn và tốt hơn”, ông Thể nói.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã bỏ phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM. Thông báo kết quả kiểm phiếu, ông Bùi Văn Cường - Trưởng Ban kiểm phiếu cho biết: Tổng số ĐBQH là 482. Số ĐBQH có mặt 471.
Số phiếu phát ra 471. Số phiếu thu về 471. Số phiếu hợp lệ 470. Số phiếu không hợp lệ 1. Số phiếu đồng ý 467 (bằng 96,8% tổng số ĐBQH). Số không đồng ý là 3 (bằng 0,62% tổng số ĐBQH). Ngay sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đọc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.
Theo đó, ông Quốc bị bãi nhiệm vì đã không trung thực trong việc báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.
Nghị quyết ngay sau đó đã được thông qua với 89% tổng số ĐBQH đồng ý. Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc.