Mục tiêu 40 tỷ USD xa tầm tay

Minh Phương 04/11/2020 08:31

Dệt may là một trong những ngành “ngấm đòn” Covid-19 một cách nặng nề, khi các doanh nghiệp trong ngành liên tục ở tình trạng “đói hợp đồng”. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 chỉ đạt 33 - 35 tỷ USD, còn cách khá xa mục tiêu 40 tỷ USD. Mặc dù thời điểm này đã có dấu hiệu hồi phục, song ngành dệt may cũng khó có thể cán đích như kỳ vọng.

2020 là một năm đầy khó khăn đối với ngành dệt may.

Nhìn lại hoạt động 10 tháng đầu năm, đại diện Bộ Công thương đánh giá, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may nước nhà khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo.

Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không và da giày.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nêu rõ, dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình hình dịch Covid-19.

Sau quý I/2020, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi, chuỗi nguồn cung gần như trở lại như cũ. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề tiêu thụ sản phẩm là vướng mắc lớn nhất với các DN sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may, da giày khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút.

Số liệu của Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Nói rõ về tình hình của ngành, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại kép đối với toàn ngày, gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.

Cùng với đó, bắt đầu từ cuối tháng 3, nhu cầu ở thị trường Mỹ và EU sụt giảm nghiêm trọng, khiến xuất khẩu dệt may trở nên ảm đạm. Quý I, kim ngạch xuất khẩu giảm 2%; sang quý II, kim ngạch giảm sâu tới 27%; từ quý III bắt đầu khá hơn một chút.

Tuy nhiên, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. “Theo dự kiến, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay chỉ có khả năng đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Đây là mức giảm rất sâu” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định.

Trước những khó khăn đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngoài những hỗ trợ của Bộ Công thương trong việc khơi thông giao thương với các nước để DN dệt may nhận được thêm đơn hàng, Hiệp hội cũng tổ chức nhiều đợt kết nối cung - cầu với DN trong nước, nước ngoài bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp.

Qua đó, các DN dệt may tại Việt Nam cũng ký kết thêm được một số đơn hàng để duy trì sản xuất và từng bước phục hồi.

Từ tháng 8-2020, DN ngành dệt may đã có đơn hàng trở lại nhưng chủ yếu là các đơn hàng nhỏ nên hoạt động sản xuất vẫn khó khăn. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn chưa khống chế được dịch bệnh Covid-19, sản phẩm dệt may vẫn bị hạn chế đầu ra.

Khắc phục khó khăn và cố gắng duy trì việc làm cho người lao động, nhiều DN dệt may đã nỗ lực chuyển qua may thêm khẩu trang, quần áo bảo hộ xuất khẩu. Trong các tháng 8, 9, 10-2020, đơn hàng khẩu trang từ Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng khá cao, giúp nhiều DN tiếp tục sản xuất.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng đưa ra khuyến cáo, trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, đồng thời khai thác và mở rộng thị trường nội địa.

Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), bởi chính những FTA thế hệ mới sẽ là cứu cánh cho các lĩnh vực xuất khẩu, trong đó có dệt may.

Minh Phương