Nỗi lo nhà tựa núi
Sau những vụ sạt lở núi kinh hoàng làm nhiều người chết ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên- Huế), Nam Trà My (Quảng Nam) và nhiều vụ sạt lở ở nhiều nơi khác, các cơ quan chính quyền và người dân mới giật mình rà soát lại địa bàn, hay nhìn lại nơi ở của mình, lo lắng trước thảm họa do thiên tai, nhân tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước tình hình bão lũ, nhất là bão số 10 đang tiếp tục đe dọa, chính quyền các địa phương dự báo bị ảnh hưởng cũng đang khẩn trương tiến hành rà soát và tìm biện pháp di dời người dân đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy số lượng nhà dân phải di dời, có nhu cầu di dời là rất lớn. Chỉ một tỉnh như Thừa Thiên- Huế đã có đến 19.139 hộ dân với 67.029 nhân khẩu đang sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, như bờ sông, bờ suối, chân núi...
Ở miền núi, từ xưa, khi xây dựng nhà cửa, dân ta hay tìm đến những vách núi, dưới chân núi, gần nơi dòng suối... Và rồi với đặc điểm chung địa hình chia cắt, độ dốc lớn, từ sự tác động của con người chặt phá rừng, làm đường giao thông, thủy điện, thủy lợi... đã làm thay đổi ngoại sinh, nên nhiều nhà dân hiện đang đứng trước những mối nguy đe dọa từng ngày, từng giờ.
Không chỉ lo dân ở vùng đang bị ảnh hưởng bão lũ, ngay tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang có khoảng trên 10.000 địa điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó có hơn 2000 điểm có nguy cơ sạt lở rất lớn…
An cư, lạc nghiệp, ai cũng mong có cuộc sống an lành. Thế nhưng cuộc sống của bà con trong diện phải di dời, có nhu cầu di dời đa số đều khó khăn. Kiếm sống qua ngày đã khó, nói chi đến nơi ở mới mua đất, xây nhà.
Không ít các làng, bản đã sống ổn định hàng chục năm, thậm chí có gia đình hàng trăm năm. Việc di dời là cả một vấn đề lớn với nhiều khó khăn đặt ra.
Đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ cần đưa lên bàn nghị sự về quy hoạch dân cư, những chính sách về nhà ở, định cư, sản xuất… để ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con vùng núi cao.
Bài học từ hậu quả sạt lở núi với những nỗi đau vừa qua yêu cầu cần sớm rà soát, có chương trình cụ thể, trước mắt và lâu dài cho bà con sớm được thực sự an cư, không còn nỗi lo luôn thường trực phía sau, bên cạnh, trên đầu mình.