Ông Trần Tuấn Anh thừa nhận 'thủy điện ảnh hưởng chức năng phòng chống lũ bão'
Chiều 4/11, giải trình trước Quốc hội về vấn đề thuỷ điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cũng có chuyện thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão.
ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) phản ánh: Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Ý kiến khác lại cho rằng, nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án thủy điện có công suất nhỏ vì vừa thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận rất lớn.
“Người ta xây dựng thủy điện với lý do điều tiết nước nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lời từ cây rừng bị chặt phá là chính rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình trung, khi họ phá rừng, cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước”, bà Dung cho hay.
Bà Dung cũng cho biết, bình quân các nhà máy điện loại nhỏ cứ 1 MW sẽ tiêu tốn 1 đến 10 hecta rừng. Ví dụ, dự án vào Rào Trăng 3, công suất 11 MW chiếm mất 11 hecta rừng. Dự án Rào Trăng 4 có công suất 14 MW chiếm mất 168 hecta rừng bảo tồn thiên nhiên của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Rõ ràng, khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ cần được sửa đổi, bổ sung như phát biểu của Thủ tướng tại phiên thảo luận tổ là phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế phá rừng.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hiện có 429 đập và công trình thủy điện, trữ nước 56 tỷ m3, công suất 20.000 MW, chiếm 37% là nguồn năng lượng quan trọng. Thủy điện đóng góp nguồn điện, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có vai trò tích nước để cắt giảm và điều tiết lũ. Song cũng có những tác động tiêu cực của thủy điện về môi trường, đất, nước, khí hậu, đời sống dân sinh.
“Cũng có chuyện thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, từ năm 2016, tuyệt đối không bổ sung bất cứ thủy điện nhỏ nào chiếm đất rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất của dự án đã giảm, quy định là không vượt quá 10 ha/1 MW nhưng thực tế chiếm dụng chỉ 1,9 ha/1 MW. Bên cạnh đó, đã đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa; 8 dự án thủy điện bậc thang. Ngoài ra, 213 dự án tiềm năng cũng được đưa ra khỏi quy hoạch.
Về vận hành thủy điện và an toàn hồ đập, ông Trần Tuấn Anh cho biết: Hiện có nhiều quy định pháp lý liên quan điều chỉnh hoạt động thủy điện gắn bảo vệ phòng chống thiên tai, an toàn hồ đập, phân cấp và phân rõ trách nhiệm, quy trình. Dù vậy cũng không tránh khỏi chuyện một số địa phương thực thi còn bất cập. Như thủy điện Hố Hô năm 2016 xả lũ vượt quá mức về hồ, lực lượng chức năng đã xử lý kiên quyết, thu giấy phép hoạt động và phạt.
Một lần nữa, không phủ nhận việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, địa chất có tác động của con người thông qua dự án thủy điện và dự án khác, song ông Trần Tuấn Anh đề nghị, trước diễn biến dị thường của thời tiết, cần ứng phó, đưa ra cảnh báo sát hơn, có bản đồ cảnh báo sạt lở.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý hiệu quả thủy điện, giảm bớt tác động thiên tai. Đồng thời, tiếp thu để tiếp tục siết chặt quản lý phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.