Chỉ rõ ‘địa chỉ tồn tại’

M.Loan - H.Vũ 05/11/2020 07:30

Ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Tội phạm tham nhũng, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển đảo… là những vấn đề được nhiều vị ĐBQH quan tâm; với hy vọng “địa chỉ tồn tại” sẽ được chỉ rõ.

ĐBQH Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng

“Nhiều dự án có dấu hiệu của tham nhũng, lãng phí, không chỉ gây ra tổn hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng cả về mặt chính trị, xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”- ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nói và đưa ra dẫn chứng:

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 về công tác phòng, chống tham nhũng 2020 có thống kê thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 119.000.528 tỷ đồng, 9.045 hecta đất. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng diễn ra hiện nay.

Chỉ rõ việc “dự báo tình hình tham nhũng, tình hình nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi, tham nhũng vặt ở một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn tiếp tục diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương”, theo ông Phương thể hiện trong quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, vốn và tài sản công. Những lĩnh vực để xảy ra tham nhũng có thể gia tăng một số vụ, hậu quả xã hội ở mức độ tinh vi và nghiêm trọng hơn.

Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên), Chính phủ cần thay đổi một thói quen trong các báo cáo hằng năm. Đó là việc đánh giá chung những tồn tại, hạn chế mà không chỉ mặt đặt tên, gắn địa chỉ cụ thể từng nội dung, lĩnh vực còn yếu kém. Do đó, bà Hiền kiến nghị: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay việc làm rõ, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế ở từng nội dung, lĩnh vực vì thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót, gây tốn kém nguồn lực càng cần phải được quan tâm, xử lý với tinh thần thẳng thắn, quyết liệt gấp đôi, gấp ba.

Nói như lời ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng nghỉ đã cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, Nhà nước. Đối tượng tham nhũng đều có vị trí xã hội, đời sống khá giả nhưng vẫn tham nhũng. Điều đó cho thấy vấn đề đạo đức cần phải được đặc biệt quan tâm.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2015-2020 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện, hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, nông thôn phát triển theo quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, không bị pha tạp.

Tính đến tháng 8/2020, có 5.350 xã đạt 60,23%, 152 đơn vị cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên dù trong giai đoạn vừa qua, kết quả xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các vùng, các khu vực, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở những vùng này còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền của cả nước.

Đưa ra dẫn chứng 2 vùng có tỷ lệ xã đạt NTM còn thấp đó là miền núi phía Bắc đạt 33,4%, và Tây Nguyên đạt 44,2% trong khi nhu cầu nguồn lực xây dựng NTM của các địa phương này rất lớn nhưng khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế vì chủ yếu là vùng nghèo, xuất phát điểm thấp, bà Thúy đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, như giáo dục, y tế, còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả. Đồng thời tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò và các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn…

Cơ chế để hỗ trợ phát triển kinh tế biển đảo

ĐB Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Thuận cho rằng, hiện nay tình hình bão lũ rất nghiêm trọng và rất thương tâm tại các tỉnh miền Trung. Quốc hội, Chính phủ cần phải đánh giá một cách sâu kỹ và toàn diện hơn về nguyên nhân của tình hình biến đổi khí hậu hiện nay là do thiên tai, nhân tai như thế nào để có đủ cơ sở để tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chiến lược quy hoạch vùng và đề ra các giải pháp nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo và ứng phó kịp thời để giảm nhẹ các loại thiên tai xảy ra.

Nhấn mạnh việc phát triển kinh tế biển, bà Linh đề nghị Chính phủ cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, về các huyện có đảo.

“Có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển đảo trên cơ sở chủ trương định hướng phát triển chung của cả nước. Cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối với từng lĩnh vực, từng địa phương, trong đó có tỉnh Bình Thuận với chiều dài bờ biển 192 km, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, đồng thời cũng có các biện pháp hỗ trợ cho ngư dân khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển đảo. Phát triển du lịch kết hợp với việc triển khai các dịch vụ công ích trên biển”- vị đại biểu là Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.

* Theo bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Thuận, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt 2 đợt dịch vừa rồi. Đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ nhằm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động bởi đại dịch và đồng thời tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng chưa được quy định trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

* Giải trình về vấn đề thuỷ điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ năm 2016 tuyệt đối không bổ sung bất cứ thủy điện nhỏ nào chiếm đất rừng tự nhiên. Dù vậy cũng không tránh khỏi chuyện một số địa phương thực thi còn bất cập. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tăng cường quản lý hiệu quả thủy điện, tiếp tục siết chặt quản lý phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

M.Loan - H.Vũ