Không dễ thu tiền quảng cáo trên xe buýt
Từng được kỳ vọng sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm nhưng hiện nay việc quảng cáo trên xe buýt ở TP HCM lại diễn ra không suôn sẻ. Thậm chí chính quyền thành phố còn dự định sẽ dừng việc quảng cáo bởi không có đơn vị nào mua.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP HCM), đơn vị quản lý hoạt động xe buýt, việc đấu giá quảng cáo được diễn ra công khai.
Trung tâm này chia toàn bộ việc quảng cáo trên xe buýt thành 11 gói thầu, với số lượng từ 5-8 tuyến/gói. Các doanh nghiệp được mua gói thấu với thời gian từ 1-3 năm.
Doanh nghiệp mua các gói thầu này hầu hết là doanh nghiệp quảng cáo, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp có nhãn hãng cần quảng cáo. Ngoài năng lực tài chính, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đặt cọc khoản tiền từ 5-20% tổng giá trị.
Tuy nhiên, dù đã nhiều lần thông báo mời thầu, tổ chức đấu thầu công khai nhưng hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào chính thức đứng ra mua các gói thầu quảng cáo trên xe buýt. Đó là lý do việc quảng cáo có thể tạm dừng trong ít ngày tới.
Trước đó, năm 2016, UBND TP HCM đã chấp thuận cho phép doanh nghiệp quảng cáo nhãn hàng trên xe buýt, sau nhiều năm bị tạm ngưng. Năm 2017, một doanh nghiệp quảng cáo của Nhật Bản đã trúng thầu quảng cáo trên 492 xe buýt với chi phí là 162 tỷ đồng trong 3 năm. Với khoảng 1.200 phương tiện xe buýt còn lại, thành phố dự kiến sẽ thu khoảng 135 tỷ đồng/năm từ việc quảng cáo này.
Đây là khoản tiền không hề nhỏ vì mỗi năm ngân sách phải chi cho hoạt động của xe buýt hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, khi gói thầu trên gần hết hạn và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã nhiều lần tổ chức đấu giá nhưng không tìm được đối tác.
Trung tâm cho rằng, hiện nay nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp đã khác so với vài năm trước, đặc biệt là nhu cầu quảng cáo trực tuyến internet nhiều hơn. Trong khi đó, giá trị lợi nhuận từ quảng cáo trên xe buýt (bao gồm dán nhãn trên thân xe, kính xe, bên trong xe, nắm tay cầm, nhà chờ…) khó tính toán chính xác hơn.
Một doanh nghiệp quảng cáo sẽ phải mất thời gian nghiệm thu, đánh giá lợi nhuận trước và sau để cân đối. So với các nền tảng trực tuyến có thể thống kê nhanh và hiệu quả hơn thì rõ ràng quảng cáo trên xe buýt đã không còn thu hút.
Theo ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP HCM thì nguyên nhân chính khiến quảng cáo trên xe buýt không được quan tâm là do giá cao và cách thức thực hiện không hợp lý. Theo đó, các sản phẩm hiện nay thay đổi liên tục nên khách hàng chỉ có nhu cầu dán quảng cáo trong vòng vài tuần, cùng lắm là vài tháng. Vì thế, nhiều việc gắn nhãn quảng cáo quá lâu trên cùng một phương tiện cũng gây hiệu ứng nhàm chán.
Ông Cáp cũng nêu một số giải pháp để việc quảng cáo được thuận lợi hơn. Theo đó, do các tuyến xe buýt có lộ trình và lượng khách khác nhau nên giá thành, lợi nhuận cũng khác nhau. Thay vì gộp nhiều tuyến, thành phố có thể chuyển giao các gói quảng cáo này cho chính các chủ phương tiện (là doanh nghiệp, hợp tác xã) để làm việc trực tiếp với nhãn hàng. Dù gặp bất lợi là manh mún nhưng việc quảng cáo trực tiếp sẽ tiết kiệm nhiều chi phí trung gian cũng như giúp cho nhãn hàng chủ động hơn. Và nếu khai thác tốt, việc thu lợi từ quảng cáo sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động của hệ thống xe buýt thời gian tới.