Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai?

Nhóm phóng viên 05/11/2020 09:46

Nhằm cung cấp góc nhìn đa chiều về nguyên nhân, hậu quả cũng như giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đặc biệt tại các tỉnh miền Trung; các biện pháp khôi phục sản xuất, đời sống sau lũ, báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai?"

Khúc ruột miền Trung đang chịu nhiều đau thương, nhiều người đã hy sinh tính mạng, cơ sở hạ tầng bị tàn phá khủng khiếp bởi lũ lụt và lở đất. Với truyền thống kiên cường, cùng với sự chia sẻ của cả nước, người dân miền Trung đang từng bước khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn luôn đặt ra vào mỗi mùa mưa lũ: Vì sao, tại ai mà hầu như năm nào miền Trung cũng phải gánh chịu thiệt hại cả về người và của. Nguyên nhân nào? Giải pháp nào cho thực trạng trên?

Nhằm cung cấp góc nhìn đa chiều về nguyên nhân, hậu quả cũng như giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đặc biệt tại các tỉnh miền Trung; các biện pháp khôi phục sản xuất, đời sống sau lũ, báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai?". Buổi tọa đàm diễn ra vào lúc 9h30 ngày 5/11/2020.

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia về địa chất, lâm nghiệp, năng lượng, phòng chống thiên tai: PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên & Môi trường; ông Nguyễn Tài Sơn, Chuyên gia độc lập về thủy điện.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết cho hay, "Những vụ sạt lở đất gây ra những cái chết thương tâm; những trận lũ, lụt gây ra nhiều đau thương, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân luôn ám ảnh những người làm báo- những người luôn có mặt ở tuyến đầu thông tin. Có những câu hỏi ám ảnh: Khi những vụ sạt lở đất, những trận lũ, lụt ở miền Trung xảy ra, có cách nào để giảm hoặc tránh chết người không? Những mất mát của đồng bào miền Trung là do thiên tai, hay do nhân tai?

Hôm nay, những người làm Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm này mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng tập trung thảo luận về các vấn đề: Lũ, lụt, sạt lở đất và công tác dự báo, cảnh báo, di dân; Thủy điện ở miền Trung ảnh hưởng thế nào đến môi trường, đời sống người dân vùng hạ du, cũng như giải mã tình trạng lũ lụt bất thường hiện nay và các phương án ứng phó lâu dài; truyền đạt các kỹ năng sinh tồn, cách sống chung với lũ lụt và các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt để người dân vượt lên, đảm bảo cuộc sống an toàn, xóa nghèo bền vững... Và đặc biệt là, chúng ta cùng nhìn nhận sâu hơn, toàn diện hơn, qua đó có thể mở được những giải pháp cấp bách và lâu dài để người dân miền Trung nói riêng và người dân cả nước nói chung có cách đối diện với thiên tai bằng tâm thế chủ động, bình tĩnh, hiệu quả hơn.

Thay mặt cho Ban Tổ chức Tọa đàm: “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?”, xin được gửi lời chia sẻ sâu sắc trước những mất mát của người dân miền Trung, mong bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất.

Sau tọa đàm này, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục tổ chức đoàn cứu trợ hướng về miền Trung mang theo tình cảm của bạn đọc, của các đối tác gửi gắm tới bà con với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.

Thay mặt Ban Biên tập, tôi trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã nhận lời tham gia buổi tọa đàm. Hy vọng sau tọa đàm sẽ có được nhiều thông tin bổ ích, góp thêm một tiếng nói hướng về miền Trung, hướng đến và thúc đẩy sớm có những giải pháp hữu hiệu đảm bảo bình yên cho cuộc sống của người dân.

Xin trân trọng cảm ơn các nhà báo đã tới tham dự, đưa tin để thông điệp của buổi tọa đàm được lan tỏa.

Chúc toàn thể quý vị và các bạn sức khỏe. Chúc Tọa đàm của chúng ta thành công.

Trân trọng cảm ơn!"

Các chuyên gia, khách mời tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Trần Anh Tú - Trưởng Ban Điện tử báo Đại Đoàn Kết: Mưa lũ trong tháng 9 và tháng 10 năm 2020 đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Trong số nạn nhân, có người là tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội nhưng cũng có nhiều người nông dân chân lấm tay bùn. Nỗi đau đó không chỉ của mỗi gia đình nạn nhân, mà là nỗi đau chung của chúng ta.

Chúng ta vừa được chứng kiến một trận bão và lũ lụt lịch sử đổ vào miền Trung. Thiệt hại về người và của là vô cùng đau xót. Vị trí địa lý đất nước khiến chúng ta không thể tránh được bão lũ, nhưng chúng ta có thể tránh được thiệt hại do bão lũ gây ra ở mức thấp nhất, nhất là thiệt hại về người. Trên tinh thần đó, chúng tôi rất muốn trong cuộc tọa đàm này, chúng ta có thể đề cập được đến các khía cạnh trong câu chuyện phòng tránh thiệt hại bão lũ ở miền Trung, đặt biệt là vấn đề lũ và sạt lở đất gây các thiệt hại rất nghiêm trọng trong những ngày qua.

Ông Trần Anh Tú - Trưởng Ban Điện tử báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

Nếu sử dụng cụm từ “sạt lở đất” để thực hiện trên công cụ tìm kiếm sẽ ra hơn 13 triệu kết quả. Cùng với đó là những cụm từ như bi thảm, thảm kịch, thảm khốc, kinh hoàng.

SẠT LỞ ĐẤT GÂY THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG

CÓ THỂ DỰ BÁO, PHÒNG TRÁNH?

- Trước hết xin được hỏi PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, chúng ta đánh giá thế nào về việc sạt lở đất gây hậu quả đau lòng như vừa qua, hoàn toàn có phải là bởi vì mưa kỷ lục quá, bão to quá, lũ to quá không, thưa ông?

PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Đúng là như vậy. Miền Trung thì năm nào cũng có mưa bão. Năm nào cũng có sạt lở đất, lũ quét. Còn năm nay, vào tháng 9 và tháng 10 chúng ta có một đợt mưa lũ kỷ lục.

Mưa bão là hiện tượng tự nhiên của trời đất, mưa bão lớn liên tiếp kéo dài liên tục nhiều ngày làm sạt lở hàng loạt, chứ không phải một vài vụ.

Mưa bão kỷ lục cường độ lớn kéo dài làm cho đất đá bị sũng nước khiến cho nguy cơ sạt lở càng cao.

Đợt mưa bão vừa qua, nhiều vụ sạt lở lớn diễn ra tại miền Trung. Khi đội cứu hộ cứu nạn tiếp cận hiện trường, họ phải mất vài ngày mà không tiếp cận được hiện trường nên phải cắt rừng mở lối đi. Rất gian khổ.

Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành điều tra cảnh báo sạt lở đất. Tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đều có sạt lở đất gây thiệt hại về người và của.

Chính phủ đã có đề án điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo về sạt lở. Trên thực tế, chúng ta đã điều tra được 22/37 tỉnh, phân vùng cảnh báo 15/27 tỉnh, tỷ lệ 1/50.000. Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chi tiết phân vùng cảnh báo cho các xã trọng điểm, làm tổng số 226 xã dự kiến...

Tuy vậy, tốc độ triển khai hơi chậm.

Hơn nữa công tác chuyển giao kết quả điều tra còn hạn chế vì vậy phải được cải thiện. Công tác tuyên truyền cần làm rộng khắp thường xuyên hơn nữa.

PGS.TS Vũ Thanh Ca. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Về nguyên nhân sạt lở đất, tôi đồng ý với ý kiến của PGS.TS Trần Tân Văn. Tuy nhiên, tôi xin bổ sung thêm rằng, ở rừng núi nói chung độ dốc của mặt đất rất lớn, mưa thấm vào trong đất tạo thành dòng chảy ngầm, dòng chảy ngầm rửa trôi đất, trôi bề mặt khiến kết cấu trong đất suy yếu hơn.

Bản thân khối đất trọng lực trượt xuống phía dưới, nước ở trong đất tạo áp suất thủy tĩnh lớn, công trình thủy trị sông thường khoan lỗ các bức tường, khoan lỗ thoát nước, hạ mức nước ngầm xuống, một phần nước chảy theo khe làm yếu đất, đẩy khối đất xuống, sạt lở đất xảy ra do mưa lớn. Ví dụ vụ sạt lở đất ở trạm 67, cả ngọn núi cao 200 m sạt xuống.

- Thưa ông, ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia về địa chất đã có nghiên cứu và cảnh báo gì về nguy cơ sạt lở ở các vùng đất này hay không?

PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Về công tác dự báo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu, chúng ta có thể đối mặt mưa bão, nhưng sạt lở đất lại là kẻ thù giấu mặt, mà chúng ta rất ít khi biết được chính xác nó xảy ra ở chỗ nào, xảy ra bao giờ.

Các nước trên thế giới cũng không có phương án khả thi ngăn chặn sạt lở đất. Việc cảnh báo phòng tránh phải thực hiện thường xuyên khi mùa mưa bão xảy ra. Chúng ta đã có nghiên cứu, cảnh báo nhưng theo tôi vẫn chưa đủ độ kịp thời, chưa đủ quyết liệt và khẩn trương.

Về câu hỏi đây là thiên tai hay nhân tai. Chúng ta không nói cực đoan là nhân tai vì không phải chỉ riêng miền Trung Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều nói nó là thiên tai. Thiên tai là yếu tố chính gây ra thiệt hại.

Tuy nhiên cũng phải xem xét hoạt động nhân sinh là chuẩn mực hay bừa bãi? Đúng quy hoạch hay chưa? Trước nay địa chất vẫn thế, rừng vẫn thế. Nhưng trước đây không bị thiệt hại mấy vì dân số thưa. Trong những năm gần đây, mật độ dân số tăng lên nhanh chóng. Nên những vị trí an toàn để sinh sống bị giảm nhiều.

Ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

MỘT CHÍNH SÁCH CẤP BÁCH VỀ DỰ BÁO, CẢNH BÁO

Ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết: Có 2 vấn đề cần đặt ra với các chuyên gia ở đây, đất đai của miền Trung yếu cả nghìn năm nay rồi, cũng không phải câu chuyện bất ngờ. Nghiên cứu của chúng ta đã rất hiểu đất, hiểu núi như thế. Thiên tai ập xuống cũng không phải là bất ngờ, lượng mưa lớn như thế là không bất ngờ. Công tác dự báo càng không bất ngờ. Vậy nếu nói về những cái chết của người dân ở miền Trung trong mưa lũ và sạt lở đất thì trách nhiệm ở đâu?

Tất nhiên, những chuyên gia ở đây không phải là những nhà hoạch định chính sách, chỉ là những nhà nghiên cứu, nhưng chúng ta có thể nhìn nhận, rõ ràng những thứ nêu trên chúng ta có thể cản phá và dự báo được. Vậy ở góc nhìn khoa học, đã bao giờ chúng ta đã có dự báo về đất đai, có những cảnh báo rốt ráo với Chính phủ về những vùng đất yếu, dân vẫn sinh sống ở đó? Đã bao giờ các nhà khoa học có tư vấn chính sách một cách cấp bách chưa?

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Hậu quả của đợt mưa lũ lần này tại miền Trung là rất đau xót.

Nói về việc cảnh báo, các nhà khoa học đã đưa thông tin, đã tuyên truyền nhưng trên thực tế ít người nghe. Vì vậy bên cạnh việc truyền thông, cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, có biện pháp hành chính để hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, phải điều tra với tỷ lệ 1/1.000 để khoanh vùng nguy hiểm.

Trên các clip được trình chiếu tại tọa đàm, chúng ta thấy hầu hết các vụ sạt lở đất xảy ra hầu như là vùng núi. Việc làm đường, làm nhà... đã làm yếu nền móng, làm thay đổi độ dốc, độ kết cấu của đất đá nên làm sạt lở đất xảy ra nhiều hơn.

Nhiều vị trí, ví dụ tại Tây Bắc mặc dù đường làm tốt nhưng qua một mùa mưa lũ là phải làm lại cực kỳ nhiều. Khu vực bị sạt lở đất có vụ sạt lở đất rất nhỏ như ở quốc lộ 6 bị sạt lở đất làm 2 vợ chồng đi xe máy bị tai nạn. Nhưng cũng có những vụ sạt lở lớn làm sạt cả quả đồi, khu dân cư.

Nhiều trường hợp, đồng bào dân tộc sống ngay sát núi, làm nhà sát núi nên khi có sạt lở thường gây hậu quả thảm khốc.

PGS.TS Trần Tân Văn: Về việc này, ngoài việc nghiên cứu cần chuyển giao cho địa phương, đảm bảo người được chuyển giao phải hiểu được kết quả, sử dụng đúng lúc, kịp thời. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung về dự báo, cảnh báo.

Trước mùa mưa lũ, các cơ quan hữu quan phải điều động lực lượng đi các nơi, rà soát lại việc phòng tránh, các địa điểm nào có nguy cơ sạt lở để cảnh báo cho người dân. Những bản đồ về nguy cơ sạt lở đất sau 3 tới 5 năm phải làm lại và chuyển giao lại cho địa phương. Các nội dung cảnh báo cũng cần điều chỉnh, cần thay đổi, cập nhật sau mỗi đợt mưa lũ.

THỦY ĐIỆN CÓ PHẢI NGUYÊN NHÂN KHIẾN

LŨ LỤT NGHIÊM TRỌNG HƠN?

Ông Trần Anh Tú - Trưởng Ban Điện tử, báo Đại Đoàn Kết: Kính thưa quý vị! Dư luận xã hội có nhiều ý kiến rất khác nhau về câu chuyện thủy điện. Thậm chí như chúng ta chứng kiến, tại diễn đàn Quốc hội vừa qua cũng rất nóng chủ đề này. Vậy thì những gì chúng ta đang hứng chịu từ sự cuồng nộ của thiên nhiên có liên quan như thế nào, có phải là hậu quả của việc con người tác động đến thiên nhiên như phá rừng, làm thủy điện hay không thưa các vị khách mời?

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Năm 2010 một nhóm công tác của châu Âu có một nghiên cứu về đập thủy điện, đập thủy lợi. Họ cho rằng, đập thủy điện, thủy lợi góp phần giúp giảm nhẹ lũ lụt. Không có bất kỳ thông tin nào nói hồ chứa làm tăng lũ lụt. Đây là kết quả nghiên cứu của Mỹ, châu Âu và kết quả nghiên cứu của tôi cũng đồng nhất với quan điểm này.

Tôi làm về công tác phát triển bền vững. Tôi nghiên cứu nghiên cứu rất nhiều về tác động của các lưu vực sông tới vùng bờ biển. Tôi thấy rằng, sói lở bờ biển thì thủy điện là thủ phạm chính gây sói lở bờ sông, nhưng không có nguyên nhân gây ra lũ lụt.

Quy trình thủy điện: khi mưa thì hồ xả đón lũ, khi mưa lớn thì hồ dâng lên, nước quá lớn thì xả giảm lượng nước dâng trong hồ. Lượng nước trong hồ có thể tăng lên nhưng luôn thấp hơn lượng lũ về nên mực nước mới tăng lên. Khi mực nước tăng, hồ không thể giữ thêm nước nữa, vì khả năng vỡ đập cao, lưu lượng tới bao nhiêu xả bấy nhiêu. Có hồ cũng như không có hồ. Hồ thủy điện giữ được một phần nước sau đó xả như tự nhiên và không có lý do hồ xả làm hạ du nhiều nước hơn.

Tôi cũng có nghiên cứu rừng lưu giữ nước thế nào khi có mưa. Khi mưa xuống, cành cây, thân cây, thảm thực vật lưu giữ khoảng đến 50 mm, tôi cứ cho con số 200 mm, mặt hồ lưu giữ 4m nước. Điều này cho thấy hồ vẫn giữ được rất nhiều nước để giảm lũ.

Về nguyên nhân thủy điện nhỏ là thủ phạm gây lũ lụt, có phải không? Ta chống thủy điện nhỏ, nhưng các nước trên thế giới lại hạn chế thủy điện lớn, vì tác hại của thủy điện nhỏ rất ít.

Ông Nguyễn Tài Sơn - Chuyên gia độc lập về thủy điện. Ảnh: Quang Vinh

Ông Trần Anh Tú - Trưởng Ban Điện tử báo Đại Đoàn kết: Thưa ông Nguyễn Tài Sơn, ông có thể phân tích khả năng điều tiết lũ của thủy điện hay như dư luận vừa rồi cho rằng lũ ở miền Trung lên quá cao vì thủy điện xả lũ đã đẩy lũ lên cao hơn?

Ông Nguyễn Tài Sơn - Chuyên gia độc lập về thủy điện: Đặc điểm địa hình của miền Trung là dốc bởi vậy từ xưa tới nay xảy ra rất nhiều trận lũ. Từ 1952 đến nay có hàng chục trận lũ lớn. Gần nhất là năm 1999 có tương đồng với trận lũ năm nay. Lũ lịch sử 1999 khiến nhiều người thiệt mạng.

Chúng ta hay nói gây lũ do thuỷ điện nhưng chúng ta cần nhìn toàn diện về thuỷ điện. Về lợi ích năng lượng, thuỷ điện chiếm 30 đến 40% năng lượng điện, nếu bỏ thì phải thay thế. Thuỷ điện không tiêu hao nguồn nước và dòng chảy, đó là nguyên lý cơ bản. Các hình thức của thuỷ điện, có liên quan tới tác động môi trường. Thuỷ điện có hồ điều tiết dài hạn như Hoà Bình, Sơn La. Loại thứ hai là có điều tiết ngắn hạn, trong 24h.

Loại thứ 3 là thuỷ điện không điều tiết, là loại không có hồ. Hồ chứa nước có ảnh hưởng tới môi trường nên cần xem xét kỹ lưỡng.

Trước đây, chúng ta tranh luận gay gắt không nên làm thuỷ điện lớn nữa thì tác động ghê gớm quá mà chỉ làm thuỷ điện nhỏ thôi vì tác động môi trường lớn nhưng cho đến ngày nay thì chúng ta lại phản đối thuỷ điện nhỏ.

Khi đầu tư thuỷ điện thì chủ đầu tư chú ý tới lợi nhuận, có hiệu quả tài chính nhưng hiệu quả tài chính dù cao đến đâu cũng không được thông qua nếu không có hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế được hiểu là tác động tới kinh tế vùng, rồi bảo vệ môi trường.

Về thuỷ điện hiện tại Trung Quốc đứng đầu, Mỹ đứng thứ 3. Năng lượng thuỷ điện là tài nguyên nên không thể muốn làm lớn, làm nhiều mà làm được. Sông Đa-nuyp có 8.670 thuỷ điện. Người ta tiết kiệm từng giọt nước, sau khi khai thác hết thế năng động năng rồi trả về tự nhiên.

Về tác dụng hồ chứa: Điều hoà lượng nước, trữ lại một lượng nước lúc nhiều để sử dụng lúc ít nước, nói nôm na như bể nước trong nhà. Tất cả hồ chứa nước trên toàn cầu có chức năng là bể dự trữ nước. Để điều hoà lượng nước thì chỉ hồ lớn và hồ vừa. Trong mùa lũ, khi dung tích đầy hồ thì phải xả cửa. Quy trình vận hành hồ chứa và kết cấu công trình tràn, không cho phép xả lớn hơn lũ tự nhiên.

Nhà báo Anh Đức, báo Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.
Nhà báo Anh Đức, báo Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đức - Báo Đại Đoàn Kết: Số lượng người thương vong trong đợt lũ lịch sử 2020 rất lớn. Và năm 1999 đã có tiền lệ như vậy rồi nhưng chúng ta không nghiên cứu nguy cơ sạt lở, cắm biển nguy cơ sạt lở đến giảm thiểu thương vong? Thứ hai, về xả lũ thuỷ điện, các nhà chức trách luôn cho rằng họ đúng quy trình nhưng tôi hỏi ai kiểm soát quy trình đó, mà đúng quy trình thì tại sao dân vẫn chết?

Ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục KTAT&MT, Bộ Công Thương. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục KTAT&MT, Bộ Công Thương: Về câu hỏi thứ nhất, sẽ nhờ PGS Trần Tân Văn trả lời. Tôi sẽ trả lời câu hỏi thứ 2. Ở góc độ quản lý Bộ Công Thương thực hiện theo Luật Thuỷ lợi, tất cả các hồ đều có quy trình vận hành đều có cấp Trung ương và địa phương quản lý.

Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng, quy trình vận hành thì cứu công trình hồ đập là nỗ lực rất lớn. Còn để vỡ hồ, để xảy ra thiệt hại thì không biết như thế nào.

Quy trình là do con người, qua đây, chúng tôi cũng xem lại quy trình vận hành để hợp lý hơn. Cũng nói thêm rằng, trong năm 2016 tới nay, Bộ Công Thương không phê duyệt dự án thuỷ điện lấy đi m2 đất rừng tự nhiên nào.

QUY TRÌNH VẬN HÀNH HỒ ĐẬP ĐANG DIỄN RA THẾ NÀO?

Phóng viên Tạp chí Ngày nay: Tôi vừa từ tâm lũ miền Trung ra để tham dự buổi tọa đàm này và xin đặt câu hỏi với chuyên gia Nguyễn Tài Sơn.Ông có nói khả năng điều tiết lũ của thủy điện. Theo tôi được biết, trên thế giới thủy điện thường xả lũ đáy, nhưng Việt Nam đa phần thủy điện xả tràn. Khi thời điểm thủy điện no nước, góp phần đẩy tốc độ lũ lên rất nhanh, người dân nói trước khi làm thủy điện có lũ, nhưng sau đó thủy điện làm gia tăng tốc độ rất nhanh, người dân không kịp ứng phó. Vậy ông có thể nêu tầm quan trọng của việc xả lũ thủy điện?

Ông Nguyễn Tài Sơn: Vấn đề là liên quan đến an toàn đập, đối với đập nếu mất an toàn là gây ra thảm họa. Xả đáy, hay xả mặt là phụ thuộc vào kết cấu công trình. Đập cao trên 60 m người ta không dám xả đáy vì gây nguy cơ vỡ đập. Xả đáy không duy nhất Hòa Bình, các đập lớn không có xả đáy chỉ có xả mặt, xả sâu.

Xả đáy để làm gì là để khắc phục yếu tố môi trường. Tiêu chuẩn của chúng ta là 100 năm và chúng ta thường chỉ làm xả sâu. Tất cả thủy điện nhỏ đều có xả đáy. Còn xả mặt là để tháo lượng nước tràn.

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục KTAT&MT, Bộ Công Thương: Về câu hỏi vì sao có quy trình vận hành liên hồ chứa mà tài sản của dân vẫn mất mát? Chúng ta đang thực hiện Luật Thủy lợi bằng nghị định 114 của Chính phủ yêu cầu các chủ hồ điều chỉnh quy trình vận hành hồ được phân cấp rõ ràng. Khi vận hành các vùng nước ở thượng lưu xuống hạ lưu sẽ chuyển về cơ quan quản lý như sở Công Thương của tỉnh.

Ví dụ điều hành nước ở Thủy điện Sông Tranh thì điều hành đến từng giờ, thông tin sẽ báo về sở Công Thương, sau đó sở này sẽ tham mưu cho Chủ tịch tỉnh điều hành quy trình xả lũ. Nếu như không có cắt lũ 52% với một lượng lũ về 16.000mm, vượt quá khả năng của công trình thì phải cứu công trình. Điều hành thì phải cứu công trình và không ảnh hưởng đến lũ đây là cố gắng lớn của chủ hồ vừa qua.

Như ở Quảng Nam nếu vỡ đập thiệt hại không biết thế nào. Đang rà soát nguyên nhân, nhưng qua vụ việc trên Bộ Công Thương có nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ uyển chuyển hơn trong điều hành.

PGS.TS Trần Tân Văn: Chúng ta đặt vấn đề thủy điện có ảnh hưởng điều tiết lũ hay không. Thủy điện chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực kia. Trong đó có câu chuyện mất nước khiến người dân thay vì được hưởng nước tự nhiên thì bị mất đi. Ví dụ thủy điện tại Gia Lai, Phú Yên, người dân kêu mất nước tại sông Ba. Chuyển nước dẫn đến tác động địa chất. Một mặt thứ hai khi tích nước hồ chứa vận hành hay không có tác động đến thủy văn, gây ra trượt lở lòng hồ, va đập. Nguy cơ không ai có thể phủ nhận.

Ví dụ trên thế giới vào năm 1963, một thủy điện của nước Ý ngay khi được kích hoạt đã có một khối đất lớn trượt xuống hồ, đẩy nước tràn mặt, trượt ra khỏi lòng hồ, quét đi cả một thị trấn, làm chết gần 2.000 người.

Về, tác động của việc điều tiết lũ, chúng ta phải tính cẩn thận, tránh việc trượt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Với các thiệt hại của người dân, chúng ta phải có đền bù.

Khách mời thảo luận tại tọa đảm. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục KTAT&MT, Bộ Công Thương: Cám ơn báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức buổi tọa đàm hôm nay để đông đảo bạn đọc tiếp cận được thông tin đa chiều. Mong báo và các cơ quan đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động phòng chống lụt bão.

Tôi có tham gia ban chỉ huy tiền phương tại Quảng Nam, Đà Nẵng và thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà Ban Bí thư ra chỉ thị và nhấn mạnh công tác tuyên truyền. Kinh nghiệm chống bão lũ cho thấy các địa phương thực hiện 4 tại chỗ tốt thì thiệt hại giảm rất nhiều vì vậy mong các địa phương, dân tăng cường tinh thần 4 tại chỗ. Nếu 4 tại chỗ tốt trong lúc chia cắt bởi lũ, bão người dân có thể tạm nương tựa vào nhau.

Về phía Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp để góp phần chống lũ. Đặc biệt Bộ sẽ kiểm soát việc thực hiện nghị định 114. Chẳng hạn, khi bão lũ chúng tôi sẽ đến kiểm tra công tác chuẩn bị chống bão của chủ hồ, đập an toàn không, lực lượng thế nào…Trong công tác tham gia dự trữ cho phòng chống thiên tai không những sở công thương, ngành hàng mà các các hàng thiết yếu phải có dự trữ để khi xảy ra mưa lũ để có ngay. Tóm lại nếu có thông tin dự báo, chủ động phòng-chống thì sẽ giảm nhẹ thiên tai rất nhiều.

Ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn Kết phát biểu kết luận tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

NÂNG CAO KỸ NĂNG SINH TỒN, CHỦ ĐỘNG TRƯỚC THIÊN TAI

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm với chủ đề "Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai?", ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn Kết gửi lời cảm ơn trân trọng tới các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà báo tham gia cuộc tọa đàm.

Ông Lê Anh Đạt nói: "Tham gia cuộc tọa đàm, từ ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, cá nhân tôi thấy nhiều thông tin bổ ích, nhiều thông tin mới, thậm chí là khá bất ngờ.

Câu hỏi đặt ra là, các thông tin trao đổi tại cuộc tọa đàm đã thỏa mãn thông tin chưa? Tôi nghĩ là chưa! Vì vậy chúng ta cần tiếp tục tìm nguyên nhân chính xác mới có được giải pháp chính xác giảm thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Có một vấn đề mang tính gợi mở tại cuộc tọa đàm đó là, có nên để toàn dân giám sát quy trình xả lũ hay không? Việc này theo tôi không khó ở thời đại công nghệ 4.0. Chỉ cần lắp camera, hoặc một giải pháp kỹ thuật là có thể minh bạch quy trình.

Khi có thông tin chỉ rõ thủ phạm gây thiệt hại cho dân, nếu là thủy điện thì đề nghị đền bù cho dân. Ngoài ra, tại tọa đàm này, có một số việc chúng ta có thể kiến nghị cơ quan chức năng triển khai ngay. Chẳng hạn, cần có ngay bản đồ dự báo, cảnh báo lũ, sạt lở đất và công bố rộng rãi đến người dân. Chúng ta cần dự báo, cảnh báo sớm để chủ động các phương án, trong đó có việc di dân ra khỏi các vùng nguy hiểm. Và khi có bản đồ sạt lở thì chính quyền vào cuộc ngay, không đợi khi mưa lũ diễn ra rồi mới làm.

Lấy ví dụ ở huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), trong trận lũ vừa rồi, tuy không phải là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng cũng ngập rất nặng. Tuy nhiên, qua trao đổi với Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn, do chủ động trong công tác di dời dân nên tuyệt đối không có thiệt hại về người, "không ướt một trang sách học sinh". Chỉ thiệt hại lớn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản...

Hay với vùng lũ Hương Khê (Hà Tĩnh) ở trận lũ lịch sử cách đây mấy năm. Mưa lũ ngập tới nóc nhà mà không một ai bị làm sao cả. Bởi vì người dân ở đây đã chủ động sống chung với lũ, kĩ năng chống lũ rất tốt. Trong các hộ gia đình luôn có thuyền, nước để nước ngập đến đâu thuyền nổi đến đấy.

Nhà báo Lê Anh Đạt nhấn mạnh: Tuy nhiên, nếu sống dưới chân núi, sát cạnh sông, suối khi sự cố xảy ra thì chẳng thể nào mà "chạy" kịp. Nên công tác dự báo tốt, cùng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc di dời thì người dân mới có thể an toàn. Chúng ta không chống được bão lũ, nhưng tránh được, giảm thiểu được thiệt hại chính là chủ động trong việc di dời, đưa dân đến nơi trú ẩn an toàn...

Theo nhà báo Lê Anh Đạt: Phải tuyên truyền và đưa kĩ năng phòng chống thiên tai vào các trường học. Bộ GD&ĐT, các phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con thường quan tâm quá nhiều về con chữ, mà quên mất dạy kỹ năng sinh tồn. Nếu con cái chẳng may qua đời vì thiếu kĩ năng sống như bơi lội... thì chữ chả có tác dụng gì. Do đó, chúng ta cần nâng cao kỹ năng sinh tồn, dạy con em chúng ta đối mặt và vượt lên. Chẳng hạn như sống ở vùng quanh năm mưa lũ, sông ngòi chằng chịt thì phải biết bơi. Biết bơi để tự cứu mình, cứu người khác. Và rất nhiều kỹ năng khác cần được học để thích ứng với cuộc sống ở vùng hay xảy ra thiên tại. Vì vậy chúng tôi kiến nghị cần phải sớm đưa việc dạy kỹ năng sinh tồn vào nhà trường.

Trong quá trình đi cứu trợ những năm trước, ban đầu chúng tôi đi phát tiền cứu trợ đồng bào bị lũ lụt. Nhưng khi mưa lũ không còn chia cắt nữa, nắng ấm lên rồi, chúng tôi thấy cần phải hướng sự quan tâm đến chuyện lâu dài. Khi đó vẫn còn hơn 1 tỷ đồng, chúng tôi đã bàn với chính quyền địa phương dùng khoản tiền này xây bể bơi, phổ cập bơi cho các em.

Ngay quá trình thay đổi mục tiêu từ "phát tiền trực tiếp" đến "xây bể bơi" đã diễn ra một cuộc "hội thảo nhỏ" về kỹ năng từ thiện. Cơ bản các cán bộ cơ sở đều cho rằng cần phải có cách cứu trợ chuyên nghiệp nếu không mạnh ai nấy làm, người cần thì không có, người chưa cần thì nhận được quá nhiều, bức tranh làm từ thiện thống nhất, nguồn lực dễ phân tán, không phát huy hiệu quả...

Ngoài kỹ năng tự cứu mình, cứu người, thì trong thiên tai, thảm họa thì cứu trợ, từ thiện vẫn phải cần kỹ năng. Đây là kỹ năng giúp nhau vượt qua khó khăn, nếu người giúp không có kỹ năng thì cả người giúp và người được giúp sẽ cùng gặp khó khăn, hiệu quả của việc trợ giúp không phát huy được. Bởi vậy, đây cũng là điều gợi mở, mỗi chúng ta cần quan tâm.

Những gì xảy ra ở miền Trung, đặc biệt là các vụ sạt lở đất gây ra nhiều cái chết tức tưởi đã ám ảnh chúng ta, nhắc nhở các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý phải tham gia thật hiệu quả vào công tác chống bão lũ, vào bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

"Tọa đàm này là một cách đi tìm nguyên nhân của những thiệt hại đã xảy ra và mong muốn những điều tồi tệ không xảy ra nữa với bà con khi mưa bão vẫn tiếp diễn. Tọa đàm "Lũ lut bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai? kết thúc ở đây do thời gian có hạn, nhưng câu hỏi về những thiệt hai đã xảy ra là do "Thiên tai hay nhân tai? vẫn ám ảnh và mỗi chúng ta có phần trách nhiệm tìm câu trả lời...", nhà báo Lê Anh Đạt kết luận.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết tặng hoa cảm ơn các vị khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.
Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết tặng hoa cảm ơn các vị khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Tới 12h buổi tọa đàm với chủ đề "Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai?" kết thúc với nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc của các vị khách mời, chuyên gia và phóng viên.

Sau buổi tọa đàm, các vị khách mời và cán bộ, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Số tiền và hiện vật sẽ được đoàn công tác của báo Đại Đoàn Kết chuyển tới đồng bào bị lũ lụt.

Các vị khách mời và cán bộ, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết tiếp nhận ủng hộ từ các nhà hảo tâm gửi tới đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai. Ảnh: Quang Vinh.

Những đơn vị, cá nhân đồng hành cùng báo Đại Đoàn Kết trong chương trình ủng hộ miền Trung: Công ty TNHH Long Hải 30 triệu, Công ty TNHH Hiền Phước 20 triệu, Sở xây dựng Hải Dương 10 triệu, Công ty TNHH đúc mỹ nghệ Bá Dũng 10 triệu, Trường Cao đẳng Công nghệ Y dược Việt Nam 10 triệu, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát 10 triệu, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Xuân Trường 200 thùng mỳ, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk 60 thùng sữa; Chùa Kim Liên xã Tiền Phong – huyện Thường Tín 200 cái chăn.

Nhóm phóng viên