Bầu cử Mỹ: Kịch bản nào nếu không có người đắc cử?
Theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, hiện là đảng viên Dân chủ Bang California, Nancy Pelosi, sẽ giữ vai trò Quyền Tổng thống trong trường hợp cuộc bầu cử Mỹ không phân định được người thắng cuộc.
Bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, các chuyên gia đã phải chuẩn bị sẵn rất nhiều kịch bản dự phòng sau Ngày bầu cử, thay đổi từ chiến thắng rõ ràng của Tổng thống Donald Trump hoặc đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden cho đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Khi quá trình kiểm phiếu vẫn đang được tiến hành, cho đến nay, Tổng thống Donald Trump đã có được 214 phiếu Đại cử tri đoàn, xếp sau đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, người đã giành được 264 phiếu trong tổng số 270 phiếu cần thiết để tuyên bố chiến thắng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, đương kim Tổng thống Donald Trump, vẫn tự tin bày tỏ: “Chúng tôi đã sẵn sàng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này… Thành thật mà nói, chúng tôi đã thắng”. Ông Trump cũng cho rằng, kết quả hiện tại là "sự gian lận lớn".
Cũng tự tin không kém, Đảng viên đảng Dân chủ Joe Biden bày tỏ sự lạc quan rằng, ông sẽ giành được đủ số phiếu Đại cử tri đoàn để trở thành Tổng thống Mỹ.
Phát biểu từ Trung tâm Chase ở Wilmington, Delaware, ông nói: “Khi cuộc kiểm phiếu kết thúc, chúng tôi tin rằng mình sẽ là người chiến thắng”.
Cuộc chạy đua bầu cử chặt chẽ và những tuyên bố của hai ứng cử viên đã khiến các chuyên gia bầu cử xem xét kỹ hơn về các kịch bản pháp lý có thể xảy ra nếu kết quả bầu cử bị tranh chấp.
Kết quả được quyết định như thế nào?
Kết quả của các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được quyết định bởi một hệ thống hai bước, theo đó, sau các cuộc bỏ phiếu ở các bang sẽ là cuộc bỏ phiếu thứ hai của Đại cử tri đoàn vào ngày 14/12.
Với việc mỗi tiểu bang của Mỹ được phân bổ một số "Đại cử tri" dựa trên dân số của của bang, việc bỏ phiếu cho người chiến thắng được chứng nhận trong cuộc bỏ phiếu phổ thông ở mỗi tiểu bang là tùy thuộc vào họ.
Một ứng cử viên phải thu thập đủ 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu Đại cử tri để tuyên bố chiến thắng, với số phiếu chính thức được kiểm tại phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện vào ngày 6/1.
Một ví dụ điển hình, ông Donald Trump có thể tái đắc cử ngay cả khi có số phiếu phổ thông ít hơn bằng cách giành chiến thắng bằng phiếu Đại cử tri đoàn, như trường hợp của ông với bà Hillary Clinton vào năm 2016.
Hồi năm 2016, ông Trump thua bà Clinton về số phiếu phổ thông nhưng lại giành được 304 phiếu Đại cử tri đoàn so với 227 phiếu của bà.
Đạo luật cử tri đoàn
Ngày 8/12 được coi là ngày "bến cảng an toàn", các tiểu bang dự kiến sẽ cử các nhóm Đại cử tri được chứng nhận cho Cơ quan lưu trữ của Mỹ.
Tuy nhiên, trong trường hợp việc kiểm phiếu vẫn diễn ra sau bầu cử nhưng các cuộc chiến pháp lý đã ngăn cản một bang làm như vậy, thì có một điều khoản của Luật Liên bang cho phép cơ quan lập pháp của một bang triệu tập và chỉ định một nhóm Đại cử tri trước cuộc kiểm phiếu cuối cùng.
Tranh cãi ở đây là một cơ quan lập pháp đảng phái có khả năng chỉ định một nhóm Đại cử tri ủng hộ ứng cử viên cuối cùng mất phiếu phổ thông của bang.
Nếu Thống đốc và cơ quan lập pháp được phân chia giữa các đảng trong một tiểu bang cụ thể, với việc Thống đốc chính thức xác nhận nhóm Đại cử tri, một tiểu bang có thể đệ trình hai nhóm Đại cử tri.
Các bang chiến địa như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina đều có Thống đốc là người của đảng Dân chủ và cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Khi các Đại cử tri từ cùng một bang lại là đối thủ, Hạ viện và Thượng viện sẽ bỏ phiếu để xác định nhóm nào sẽ được chấp nhận. Trong trường hợp Hạ viện và Thượng viện không đồng ý, Thống đốc bang sẽ là người chứng nhận nhóm thắng thế, theo Đạo luật cử tri đoàn.
Hiện tại, đảng Cộng hòa nắm giữ Thượng viện trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, nhưng việc kiểm phiếu lại do Quốc hội mới tiến hành, cơ quan sẽ được thay mới vào ngày 3/1/2020.
Một kịch bản khác là Phó Tổng thống Mike Pence, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, có thể loại bỏ các phiếu Đại cử tri đang tranh chấp của bang nếu hai Viện không thể đồng ý.
Trong trường hợp đó, Đạo luật không nêu rõ liệu một ứng cử viên có gần 270 phiếu Đại cử tri, chiếm phần lớn tổng số phiếu sẽ giành chiến thắng hay ứng cử viên với đa số phiếu Đại cử tri còn lại có thể giành chiến thắng?
Cả hai bên đều có thể yêu cầu Tòa án tối cao giải quyết tình trạng bế tắc của quốc hội.
Điều gì xảy ra nếu thế hòa vẫn được giữ?
Ngay cả sau khi cuộc bỏ phiếu Đại cử tri đã được kiểm đếm, vẫn có một kịch bản dự phòng khi không thể có người đắc cử Tổng thống.
Theo Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Mỹ, nếu cả hai ứng cử viên đều không đạt được đa số phiếu Đại cử tri, hoặc cả hai ứng cử viên đều kết thúc với 269 phiếu bầu thì điều này sẽ kích hoạt một “cuộc bầu cử dự phòng”. Sau đó, Hạ viện sẽ quyết định ai thắng trong cuộc bầu cử, trong khi Thượng viện chọn Phó Tổng thống.
Mỗi phái đoàn tiểu bang trong Hạ viện nhận được một phiếu bầu duy nhất.
Đến nay, đảng Cộng hòa kiểm soát 26 trong số 50 phái đoàn tiểu bang, trong khi đảng Dân chủ có 22; một bên được chia đều và một bên khác có bảy đảng viên Dân chủ, sáu đảng viên Cộng hòa và một đảng viên Tự do.
Tranh chấp bầu cử trong Quốc hội cần được giải quyết nghiêm ngặt trước hạn chót là ngày 20/1, khi Hiến pháp quy định nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm kết thúc.
Nếu Quốc hội không tuyên bố người đắc cử Tổng thống hoặc Phó Tổng thống vào thời điểm đó, theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, hiện là đảng viên Dân chủ California, Nancy Pelosi, sẽ giữ vai trò Quyền Tổng thống.