'Điểm danh" hạn chế tồn tại của 20 bộ trưởng, trưởng ngành

Mai Loan 06/11/2020 10:12

Sáng 6/11, trước khi vào phiên chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đọc báo cáo, nêu lên những hạn chế gắn với lĩnh vực của 20 bộ trưởng, trưởng ngành.

Cụ thể, ông Phúc khái quát, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện và hoạt động của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; hiệu quả đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, còn xảy ra sai phạm. Việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn hạn chế.

Tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2019 đạt thấp. Tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia chậm so với yêu cầu. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Năng suất lao động còn thấp.

Trong lĩnh vực tài chính, còn tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. Chất lượng, năng lực triển khai một số dự án không đáp ứng yêu cầu giải ngân theo các Hiệp định đã ký kết; một số dự án sử dụng vốn vay còn lãng phí, chưa hiệu quả.

Còn tình trạng thất thu, trốn thuế; tổng nợ đọng thuế hằng năm cao. Việc nâng cấp thủ tục hành chính tại Tổng cục Thuế còn chậm.

Lĩnh vực ngân hàng, tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn chậm, nhất là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Công tác triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc. Chất lượng tín dụng thuộc chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân chưa được cải thiện.

Đối với lĩnh vực công thương: Việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn chậm. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm còn rất phức tạp. Chưa xử lý được những bất cập trong quy hoạch, đầu tư, vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thành lập mới chưa nhiều.

Nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước cho công nghiệp ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ còn thấp. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô thấp hơn mục tiêu đề ra.

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có hạn chế như: việc hoàn thành bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp chậm hơn so với yêu cầu. Kết quả tăng trưởng ngành vẫn thấp so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Việc bảo đảm tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn chênh lệch. Kết quả sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp theo các mô hình mới còn chậm.

Đời sống của một số bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn; việc phục hồi sản xuất chưa bền vững. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Còn lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều công trình trọng điểm giao thông chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Việc triển khai dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, việc giải ngân gói 7.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng triển khai chậm. Công tác triển khai thu phí tự động không dừng chậm 2 năm so với yêu cầu.

Một số địa phương chưa hoàn thành mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp. Việc đầu tư, xây dựng phát triển vận tải công cộng còn chậm. Tình hình chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thông qua hệ thống camera chưa được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó lĩnh vực xây dựng có hạn chế như: hệ thống pháp luật liên quan đến loại hình bất động sản mới chưa đầy đủ. Chất lượng một số quy hoạch chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch tại một số dự án, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, điều chỉnh nhiều lần.

Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan trong nội thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chậm. Tình trạng xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch vẫn còn tiếp diễn; công tác nghiệm thu chất lượng công trình chưa đảm bảo, vi phạm chưa được xử lý nghiêm.

Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp còn thiếu. Hoạt động đầu cơ bất động sản diễn ra khá công khai, gây bất ổn ở một số địa bàn.

Ông Phúc cũng điểm lại trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có việc thực hiện quy định về môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề còn chưa nghiêm, nhất là việc xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề còn hạn chế.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông, các sông, hồ, ao, kênh mương trong các đô thị, khu vực khai thác khoáng sản chậm được xử lý. Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, có thời điểm vượt ngưỡng an toàn.

Hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế.

Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông vẫn diễn ra. Công tác phối hợp trong quản lý khai thác, bảo vệ khoáng sản hiệu quả chưa cao. Vẫn còn 2,64% diện tích đất trên cả nước chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khiếu nại, tố cáo tồn đọng từ giai đoạn trước trong lĩnh vực đất đai còn nhiều.

Lĩnh vực khoa học và công nghệ còn một số cơ chế, chính sách ưu đãi về khoa học và công nghệ chưa đồng bộ với các quy định chuyên ngành khác. Chưa tạo động lực khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu.

Hoạt động chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Số tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm tỷ lệ thấp.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài còn dàn trải, nhiều chính sách chưa phù hợp; chưa thu hút được sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp loại khá, giỏi về làm việc tại địa phương.

Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp còn khó khăn. Tiến độ rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm còn chậm.

Cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ còn bất cập. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông chưa hiệu quả.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế. Tính chuyên nghiệp trong quảng bá, xúc tiến du lịch chưa cao, kinh phí còn thấp. Sản phẩm du lịch chậm đổi mới, đơn điệu, thiếu liên kết, trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng thấp. Vẫn còn tình trạng phát triển du lịch thiếu bền vững, khai thác quá mức gây suy thoái nguồn tài nguyên du lịch.

Hệ thống thiết chế văn hóa hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng vi phạm quy định trong tu bổ, tôn tạo di tích diễn ra khá phổ biến.

Việc điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật còn chậm. Tình trạng xuống cấp về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội còn diễn biến phức tạp.

Lĩnh vực y tế còn bất cập khi chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, giữa các vùng, miền chưa đồng đều. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, tuyến cuối vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Nguồn nhân lực y tế cơ sở vẫn chưa được giải quyết triệt để cả về số lượng và chất lượng. Cơ chế tài chính cho các hoạt động dự phòng còn thiếu. Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế còn bất cập.

Tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, sử dụng thuốc và dịch vụ không cần thiết vẫn xảy ra. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình vẫn ở mức thấp. Vẫn xảy ra tình trạng vi phạm quy định về mua sắm vật tư, trang, thiết bị y tế.

Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm vẫn gặp khó khăn. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, trường học vẫn cao.

Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, việc dự báo thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế. Việc phân bố cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị, thành phố lớn. Cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng, miền còn mất cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn bất cập. Cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tổng kết, đánh giá.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông có hạn chế như: Tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia chậm. Việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia còn hạn chế; tính hoàn chỉnh, mức độ chi tiết, kịp thời của dữ liệu còn thấp, khó tiếp cận và được lưu trữ rải rác.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ còn thấp; số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn hạn chế. Mục tiêu xếp hạng trên thế giới về Chính phủ điện tử năm 2020 chưa đạt. Tốc độ tăng trưởng hạ tầng và dịch vụ viễn thông di động 4G, 5G chưa như kỳ vọng.

Trong lĩnh vực nội vụ, một số văn bản ban hành chậm so với yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội, vẫn còn nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết. Tình trạng tăng tổ chức sau khi sắp xếp vẫn xảy ra; công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm.

Việc thực hiện biên chế của ngành giáo dục còn nhiều vướng mắc; việc tinh giản biên chế số lượng người làm việc trong ngành y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa được giải quyết theo lộ trình. Việc hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu.

Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp thì vẫn còn một số luật thuộc danh mục của Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 chưa trình Quốc hội ban hành. Vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Một số hạn chế trong công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản chưa được khắc phục triệt để. Lượng án dân sự có điều kiện thi hành còn tồn đọng nhiều.

Tỷ lệ Chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đại diện Ủy ban nhân dân không tham gia đối thoại, phiên tòa hành chính còn cao.

Lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tội phạm về “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, mua bán người, ma túy vẫn diễn biến phức tạp.

Việc phát hiện và xử lý tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em còn thấp so với thực tế. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố hằng năm chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn một số vụ, việc oan, sai yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết.

Số vụ Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội phát triển chưa đồng đều, chất lượng còn hạn chế.

Lĩnh vực thanh tra có việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm và chưa tương xứng với các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện.

Việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có Bộ tiêu chí cụ thể; nhiều tiêu chí trong Bộ chỉ số đánh giá tại các địa phương còn chưa rõ ràng. Chưa ban hành kịp thời quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.

Việc sửa đổi, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo chưa kịp thời. Vẫn còn vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài đang được tiếp tục rà soát, giải quyết.

Lĩnh vực tòa án vẫn còn một số vụ bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án đang trong quá trình giải quyết; còn một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chưa chính xác; một số vụ án để quá hạn luật định; một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt yêu cầu.

Hạn chế của lĩnh vực kiểm sát là vẫn còn trường hợp bị can bị oan phải đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong một số vụ việc tồn đọng, kéo dài thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát vẫn còn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong một số vụ án chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Quy trình nghiệp vụ đầy đủ đối với hoạt động truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em chưa được ban hành.

Mai Loan