Phải minh bạch từng đồng tiền đóng góp của người dân

Việt Quỳnh (thực hiện) 08/11/2020 09:00

Sử dụng tiền quyên góp của người dân đóng góp phải minh bạch đến từng đồng bạc lẻ. Nguyên tắc là: “Minh bạch, đúng mục đích và làm trực tiếp”.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đại diện Quỹ Trò nghèo vùng cao đến thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Tĩnh.

Tôi gọi điện hỏi thăm nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi ông đang cùng các thành viên Quỹ Trò nghèo vùng cao (tiền thân là chương trình Cơm có thịt) đang ở Nghệ An. Đoàn công tác của Quỹ đang bắt đầu triển khai đi thăm các thân nhân của các chiến sĩ vừa hi sinh. Từ ngày hôm sau, đoàn sẽ đi vào vùng lũ miền Trung với mong muốn làm sao để đi được sâu nhất, đến được nhiều gia đình đang cần sự hỗ trợ nhất.

Mặc dầu công việc của nhà văn Phạm Ngọc Tiến khá bận rộn, nhưng ông vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ông chia sẻ, mỗi người có kế hoach riêng cho cuộc sống của mình, với ông, viết văn chương hay kịch bản phim đều là kết quả của cả một quá trình dài tích lũy. Đó là một công việc như bất kỳ nghề nghiệp nào khác nên hoàn toàn có thể chủ động thời gian. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói, ông không thích dùng từ “thiện nguyện” mà đơn giản, đó là một hoạt động xã hội. Là nhà văn, nhà báo càng phải quan tâm đến những mảnh đời khó khăn đang cần sự tương trợ của cộng đồng. Khi có chút uy tín, thì nên kêu gọi cộng đồng chung sức chung tay vào giúp đỡ những mảnh đời ấy. Và nên tự làm để người khác nhìn thấy, sẽ theo mình làm như một sự cộng hưởng dây chuyền.

“Đối với những người có một chút thành tựu và uy tín xã hội thì được nhân dân ủng hộ là đương nhiên”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ. “Đặc biệt là những người của công chúng thì sự lan tỏa, vận động nhanh hơn. Nhưng có hai mặt, khi vận động được số tiền lớn thì sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn từ công chúng. Họ sẽ nhìn vào xem số tiền họ đóng góp có được sử dụng đúng mục đích hay không, hiệu quả thế nào? Đó là một vấn đề cần được người trong cuộc lưu tâm”.

“Với số tiền quyên góp lớn, đòi hỏi phải có kế hoạch thực hiện chặt chẽ đúng mục đích quyên góp. Quỹ Trò nghèo vùng cao hoạt động chính quy, được nhà nước cấp phép, hoạt động hiệu quả, tài chính rành mạch. Mỗi người tham gia đều tự túc kinh phí trong từng công việc. Chẳng hạn trong chuyến đi chống lũ như này mỗi cá nhân tham gia sẽ đóng góp mọi chi phí. Điều đó đảm bảo từng đồng tiền người dân đóng góp được sử dụng minh bạch đến tận tay người được trợ giúp”.

“Do người Việt mình vốn có truyền thống cưu mang bao bọc lẫn nhau, nhất là những lúc thiên tai, nên sự kêu gọi của chúng tôi cũng nhận được nhiều ủng hộ”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chính thức tham gia chương trình Cơm có thịt từ ngày đầu thành lập, năm 2011. Ban đầu chương trình chọn mục tiêu là giúp đỡ các bé tuổi mầm non. Đây là lứa tuổi cần thiết trợ giúp nhất, khi điều kiện ăn ở sinh hoạt và học tập của các bé rất khó khăn thiếu thốn. Lúc đó ở lứa tuổi mầm non chỉ có trẻ 5 tuổi được Nhà nước trợ cấp theo tháng. Chính vì thế các cháu đi học nhưng trưa về nhà hoặc phải mang cơm. Chương trình chọn một số điểm trường ở các tỉnh, trợ cấp cho các lứa tuổi khác bằng chế độ Nhà nước cho trẻ 5 tuổi với mục đích làm sao để các bé có bữa cơm trưa có thịt. “Cơm có thịt” chính là tên gọi từ việc làm ban đầu đó. Giờ đây, nhà nước cũng đã điều chỉnh các chính sách chế độ cho trẻ mầm non nên chương trình chuyển sang những mục tiêu khác. Trọng tâm vẫn là cơm có thịt cho trẻ miền núi.

Ngoài hoạt động giúp đỡ trẻ em vùng cao, Quỹ Trò nghèo vùng cao cũng có các hoạt động thích ứng giúp đỡ người dân các nơi khác trên khắp đất nước khi thiên tai xảy ra.

Năm 2016, Quỹ đã đi tới Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình khi xảy lũ lụt. Đoàn mang tiền mặt đi. Với sự giúp đỡ của chính quyền, của báo chí, và cả mạng xã hội, đoàn đi đến từng hộ dân để xác minh thực tế. Sau khi trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh của người dân, tìm hiểu kĩ hoàn cảnh của họ, nhất là hộ nông dân bị mất trâu bò trong đợt lũ, đoàn trợ giúp bằng tiền mặt. Ngoài ra, còn hỗ trợ kịp thời lương thực thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho một số trường hợp. Đi đâu, đoàn cũng có một kế toán theo cùng. Với mỗi số tiền trợ giúp, đều có biên lai xác nhận với đủ chữ ký của người dân được nhận, kế toán, trưởng đoàn và đại diện chính quyền địa phương. Vì vậy, tiền của người dân cả nước cũng như kiều bào nước ngoài đóng góp đều được sử dụng rất minh bạch, đến được đúng người, đúng nơi mà các “mạnh thường quân” mong muốn gửi gắm.

Trong quá trình làm công tác xã hội, nhất là đối với vùng đang chịu thiên tai, lũ lụt nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng từng chứng kiến: “Có không ít cá nhân lợi dụng tình cảnh khốn khó của bà con, vận động quyên góp tiền từ cộng đồng, rồi nhập nhèm tiền nong. Đa số đi theo phong trào mang rất nhiều lương thực thực phẩm đã nấu chín hoặc lương khô, mì tôm, phao cứu sinh nhưng chưa hiệu quả khi không chuyển được đến tay người cần. Ở các vùng sâu vùng xa, bão to, gió lớn, ngoài các chiến sĩ bộ đội, công an, dân phòng, dân quân đã được đào tạo về kỹ năng cứu hộ, thì người dân thường khó có thể vào được. Trong khi thực tế, người dân vùng lũ cần nhất là cải thiện cuộc sống sau khi lũ lụt vì năm nào người dân cũng phải chịu cảnh nước ngập như vậy. Năm nay thì lũ lụt kéo dài và nước dâng cao nặng nề hơn vì rất nhiều lý do. Hiệu quả là hỗ trợ họ ổn định cuộc sống sau lũ. Lúc này người dân cần nhiều thứ ngoài lương thực. Họ cần tiền cần những thiết bị phục vụ đời sống, nếu giúp đúng những thứ người dân vùng lũ cần thì sự trợ giúp mới thật sự thiết thực”.

Lần này, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cùng đoàn của Quỹ Trò nghèo vùng cao tham gia chống lũ với mục tiêu tập trung cho các thân nhân liệt sĩ vừa hi sinh. Đoàn dự định đến từng nhà thắp hương cho người đã khuất, chia buồn với các thân nhân liệt sĩ ở khu vực miền Trung, hỗ trợ một khoản tiền. Sau đó các thành viên của đoàn tiếp tục đi vào những vùng sâu nhất có thể, tìm những đối tượng thực sự khó khăn ở vùng lũ, trực tiếp giúp đỡ”.

Để hoạt động xã hội cũng như công việc thiện nguyện được hiệu quả, theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, điều quan trọng nhất là cần sự minh bạch. Minh bạch từ những trường hợp cụ thể cần được giúp đỡ. Việc này phải làm một cách kỹ lưỡng và làm việc trực tiếp với họ. Sử dụng tiền quyên góp của người dân đóng góp cũng vậy phải minh bạch đến từng đồng bạc lẻ. Nguyên tắc là: “Minh bạch, đúng mục đích và làm trực tiếp”.

Việt Quỳnh (thực hiện)