Từ thiện cần rất nhiều kỹ năng và sự hiểu biết

Việt Quỳnh (thực hiện) 08/11/2020 11:00

Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng ban Nhân dân Hằng tháng, báo Nhân Dân cùng với nhóm bạn của mình, đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ từng cá nhân, cho đến hỗ trợ những vùng phải chịu dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt. Với chị, từ thiện là công việc cũng là trách nhiệm của cả đời người, cần làm một cách âm thầm và đúng khả năng của mình.

Nhà báo Phan Thanh Phong thăm hỏi đồng bào trong đợt lũ lịch sử tại Hương Khê - Hà Tĩnh năm 2014.

Thưa chị, công việc bận rộn như vậy, vì sao chị vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện?

- Từ thiện, hay như tôi vẫn gọi là hoạt động xã hội là việc thường xuyên của chúng tôi. Đó là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Chúng tôi giúp đỡ một cá nhân, hoặc góp sức vào khắc phục hậu quả về dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt với một vùng miền. Với lũ lụt của miền Trung, năm nào cũng xảy ra, tôi lại là người con của huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, nên tôi cần có trách nhiệm với quê hương nói riêng và miền Trung nói chung.

Chị có thể chia sẻ về nhóm thiện nguyện mà chị đang tham gia?

- Chúng tôi đặt nôm na và cũng gọi vui là “Nhà báo Phan Thanh Phong và những người bạn”. Chúng tôi gồm nhóm bạn chơi thân, bạn học, bạn họa sĩ, bạn từ Facebook, họ là những người rất tích cực. Các bạn thân của tôi phía sau là doanh nghiêp có nhiều thiện tâm. Khi tôi cần thì họ sẵn sàng chung tay.

Vì sao các bạn chọn chị là nơi gửi gắm niềm tin, chứ không phải các hội, nhóm, cá nhân khác?

- Bởi vì các bạn tôi cần có niềm tin vào một nơi nào đó để trao gửi, họ nhìn thấy tôi là một người bạn, họ hiểu rõ tôi và biết tôi sẽ làm như thế nào. Có việc gì xảy ra thì chính các bạn gọi điện đến tôi chủ động đề nghị nên làm gì và cần đóng góp ra sao. Tôi chỉ là cầu nối đưa tấm lòng này đến tấm lòng khác, và có trách nhiệm là cái cầu tốt, để đưa tình cảm họ đến đúng nơi đúng lúc. Bạn bè tôi rất nhiệt tình, khi có việc thì chúng tôi cùng đưa ra bàn bạc. Mọi người quá quen với vấn đề đó rồi và cũng phân chia trách nhiệm riêng từng người.

Trên thực tế, khi đưa ra lời kêu gọi các Mạnh thường quân, thì cá nhân văn nghệ sĩ trí thức thường được nhận sự ủng hộ nhanh chóng, chị chia sẻ sao về điều này?

- Tôi là nhà báo bình thường, không phải người của công chúng nên tôi chỉ kêu gọi từ thiện từ bạn của mình, trong nhóm và người tôi biết rõ là ai. Tôi tuyệt đối không nhận tiền của người lạ. Tôi cần biết tiền đến từ đâu, tiền từ thiện càng cần minh bạch rõ ràng.

Tôi chỉ làm trong quy mô mà tôi có thể kiểm soát, trong mối quan hệ tin tưởng nhau.

Sử dụng uy tín của mình để kêu gọi thiện nguyện, việc chi tiêu những đồng tiền, hay phân phát lương thực thực phẩm đồ dùng thiết yếu đến người thực sự cần hỗ trợ cần sự cẩn trọng như thế nào thưa chị?

- Tối đa hóa việc sử dụng đồng tiền một cách khoa học nhất để minh bạch tốt nhất. Như kinh nghiệm của tôi người dân cần gì tôi mua cái đó sau khi đã khảo sát kĩ lưỡng. Trên thực tế nhiều nhà bị trôi nhà trôi cửa nhiều nhưng đã nhận được nhiều tài trợ, những người họ trôi trâu bò đồ đạc cũng rất khó khăn khác nhưng lại không có tài trợ gì, đi thực tế, cũng có người dân không trung thực họ đi nhận nhiều lần nên nhiều quà không đến tay được người dân khác.

Khi mua hàng, tôi yêu cầu chất lượng hàng đảm bảo và có giấy tờ chứng minh tài chính. Còn tiền mặt, tránh gia đình nhận hai, ba lần hay khai khống khai man, thì người dân khi đến, cần có chứng minh thư, rồi ký nhận ba bên, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền.

Từ thiện là công việc của cả đời người. Việc thiện không nên ham hố. Một đồng quyên góp đều quý nhưng nhiều quá vượt sức mình thì lợi bật cấp hại. Mà quan trọng là hiệu quả của việc sử dụng đồng tiền ấy. Thiện từ suy nghĩ thiện từ việc làm chứ không phải việc số lượng tiền.

Từ thiện là việc cần âm thầm và làm trong khả năng, tấm lòng của mình, làm sao để mình nhẹ lòng và có ý nghĩa. Tôi là người làm báo, thì tôi cũng cần lan tỏa trong cộng đồng ý thức trách nhiệm với những hoàn cảnh khó khăn nên tôi cũng có đưa thông tin lên Facebook. Nhưng bản thân tôi thì rất tránh nói về việc này.

Trong mùa lũ này, khi người dân miền Trung vừa trải qua những khó khăn vì dịch covid, lại đối mặt với bão lũ liên tiếp, kéo dài, nhóm chị đã nhanh chóng huy động sự đóng góp như thế nào?

- Khi bão vào, nghe tin Hà Tĩnh bị tàn phá nặng, chúng tôi người lo tài chính, trao đổi với người khảo sát trong ấy cần đi đến đâu làm gì, việc xe cùng cần kiểm tra tình hình giao thông, đi đến đâu và bố trí người vào. Hiện mọi người đang khuyến cáo không nên đi sớm vì đường tắc nghẽn mưa bão sẽ gây cản trở cho các cơ quan chức năng làm việc. Giờ trong đó yêu cầu ra cần gạo nên chúng tôi đi đặt gạo và tính làm sao gửi vào đó sớm nhất.

Hiện tôi cũng đang khảo sát trường học và trường nào bị hư hại nặng nhất thì sẽ ưu tiên giúp đỡ trước nhất.

Xin chị chia sẻ về tình cảnh của người nhà người dân của vùng quê của chị khi lũ lụt xảy ra vừa qua?

- Nhà tôi cũng đang ngập hết tầng 1, bố mẹ già của tôi cũng đang trong tình trạng chờ người thân hỗ trợ tiếp tế thực phẩm. Vì tôi có chị gái ở quê cáng đáng giúp mọi việc nên tôi dành sức chung lo với cộng đồng.

Những chia sẻ kinh nghiệm của chị để công việc thiện nguyện được tổ chức tốt và hiệu quả?

- Đi vào vùng lũ chỉ có những người có kĩ năng mới vào được, nên các đoàn thiện nguyện tránh việc tự tiện đi vào, sẽ dễ gây tai nạn cho chính bản thân và làm phiền đội cứu hộ khác. Phải dựa vào các chính quyền địa phương, phối hợp với họ, họ nắm được rất rõ tình hình mỗi gia đình gặp khó khăn ra sao, và liệt kê danh sách, nếu khai gian khai man chính người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, dựa trên danh sách, chúng tôi vẫn đưa người khảo sát thêm, và khi đưa hàng đến địa phương. Có những nơi khi biết thông tin vùng đất đó đã có lương thực thực phẩm rồi thì không đưa thêm lương thực vào nữa. Họ tư vấn bao nhiêu ngôi nhà sập, trường mầm non hư hỏng cần sửa chữa. Chúng tôi ưu tiên việc sửa chữa trường mầm non, hỗ trợ sách vở quần áo cho trẻ em đi học bằng tiền mặt. Nhà nào bị sập, nhà nào mất trâu bò cần hỗ trợ giống cây trồng, chúng tôi sẽ gửi tiền mặt cho nhà đó, họ cầm tiền xong khi mua xong phải chụp ảnh lại.

Đi từ thiện cần rất nhiều kỹ năng cũng như sự hiểu biết.

Xin cảm ơn chị!

Việt Quỳnh (thực hiện)