Hoàng Thị Minh Hồng: Nam Cực đã thay đổi cuộc đời tôi

Đoàn Đại Trí 07/11/2020 14:00

Là người Việt Nam đầu tiên chinh phục và cắm cờ Tổ quốc ở Nam Cực xa xôi, không có gì lạ lùng khi Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ rằng, khoảnh khắc đặt chân tới vùng đất lạnh giá tới âm 20 độ C ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời chị.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng.

Vùng đất giá lạnh ấy đã truyền cho chị một ngọn lửa nhiệt huyết đến lạ kỳ để những năm tháng sau này, để chị trở thành một trong những người Việt có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, tổ chức phi chính phủ mang tên Change (Thay đổi) mà chị sáng lập nhiều năm miệt mài với những chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã, mang tới một thế giới xanh cho muôn loài. Gặp chị ngoài đời, trò chuyện cùng người phụ nữ nhỏ bé nhưng phi thường này, tôi thấy ngoài nguồn năng lượng tràn đầy, chị còn rất am hiểu về môi trường.

Với nhiều người, chinh phục Nam Cực xa xôi có lẽ là một đích đến trong đời nhưng với Minh Hồng, đó đơn giản là nơi bắt đầu hành trình của chị. Chị bảo, trước khi đến Nam Cực (khi ấy chị 24 tuổi), chị cũng như nhiều phụ nữ khác, học xong đại học và ra trường, mong muốn đi làm công việc có thu nhập tốt. Rồi một cơ may bất ngờ giúp chị có chuyến đi để đời. Chia sẻ về chuyến đi, chị bảo chị bắt đầu chuẩn bị hành trình từ cuối năm 1996 và bắt đầu tới Nam Cực cùng một đoàn gồm nhiều người, ở nhiều quốc gia khác nhau vào đầu năm 1997. Đoàn phải dừng lại nhiều nơi để luyện tập trước khi đi tàu thuỷ tới Nam Cực. Khi tới, Nhiệt độ khi ấy chừng -20 độ C, đủ để làm mọi thứ đóng băng ngoài cơ thể con người. Nhưng ban đêm, nhiệt độ ở đó có thể xuống tới âm 60 độ C. Mỗi thành viên trong đoàn phải mang vác một ba lô đồ cá nhân rất lớn và đi bộ. Riêng Minh Hồng, chị mang theo một bộ áo dài và cờ tổ quốc. Sau này, hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé mặc áo dài, cầm cờ đỏ sao vàng giữa mênh mông biển trời màu trắng ở Nam Cực đã được nhiều người Việt Nam biết tới. Mục đích của chuyến đi ấy ban đầu là để những thành viên chinh phục, khám phá và tìm hiểu về biến đổi khí hậu (thời điểm đó chưa nhiều người Việt Nam quan tâm) mà trực tiếp là sự tan băng, nước biển dâng… Chị Hồng bảo rằng, trước chuyến đi chị chưa hề có ý nghĩ rằng, một người Việt nhỏ bé đến từ một đất nước xa xôi lại phải có nghĩa vụ để bảo vệ môi trường lạnh giá ở Nam Cực! Nhưng rồi, tất cả thay đổi sau đó với một hành trình gian nan hơn rất nhiều để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ những điều tưởng như xa xôi nhưng lại đang cận kề.

Sau chuyến đi Nam Cực, chị Minh Hồng đã làm việc cho một vài đơn vị cũng về bảo vệ môi trường trước khi thành lập một tổ chức phi chính phủ để bảo vệ động vật hoang dã. Tổ chức Changge của chị đã góp phần truyền những thông điệp tới nhiều người dân về việc không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã. Nhưng chị không chỉ truyền cho giới trẻ về ý thức bảo vệ những loài vật như voi, tê tê, tê giác… mà hơn hết, đó là lối sống lành mạnh, lối sống biết mình, biết thiên nhiên vạn vật xung quanh. Chính những cố gắng không biết mệt mỏi ấy của chị mà năm 2019 tạp chí danh tiếng Fober đã bầu chọn chị là một trong số 50 người phụ nữ có ảnh hưởng đến cộng đồng ở Việt Nam. Đặc biệt, năm 2018, chị từng được đích thân cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi là người truyền cảm hứng cho ông vì những thông điệp về bảo vệ môi trường. Ông Obama bảo Hoàng Thị Minh Hồng đã mang đến cảm hứng cho giới trẻ, cho chính ông về một tương lai, thế giới tốt đẹp hơn bằng những hành động miệt mài sau nhiều năm.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, chị Minh Hồng cho rằng mỗi con người sinh ra trên cuộc đời này đều có sứ mệnh riêng. Chị cũng bị ám ảnh rằng bản thân có sứ mệnh là một người đi “giải cứu thế giới”. Nhưng thế giới ở đây của chị là thế giới loài vật, với những hình ảnh về tê tê, tê giác, voi bị giết, bị săn bắt, bị làm thịt để phục vụ con người. Chị nghĩ rằng bản thân mình “phải làm một cái gì đó” khi chứng kiến những điều trên, chứng kiến những người xung quanh chị luôn coi động vật hoang dã là một “đặc sản” và háo hức để sử dụng. Chị kể, ban đầu khi làm việc, chị cứ nghĩ rằng những thông điệp của mình như truyền đi trong vô vọng vì tập quán, thói quen của cộng đồng xung quanh. Không thể không thừa nhận một điều rằng, cùng với Thái Lan và Trung Quốc, Việt Nam là nước có nhiều người có nhu cầu sử dụng những sản phẩm từ động vật hoang dã. Thậm chí, điều này còn được coi là… bình thường. Rất nhiều đường dây buôn bán, săn bắt động vật hoang dã như tê tê, ngà voi từ nước ngoài về Việt Nam để phục vụ thói quen này. Thậm chí nhiều tổ chức còn sang tận châu Phi, nơi được coi là “vương quốc” của loài voi để tìm cách săn bắt, mang ngà voi về bán kiếm lợi nhuận. Đến nay, việc sử dụng những sản phẩm trên đã trở thành hành vi vi phạm pháp luật nhưng thực tế, thói quen sử dụng vẫn tồn tại trong nhiều người, vì những tác dụng khác nhau của các sản phẩm này.

Thực tế, không hiếm những người Việt Nam từng đặt chân tới Nam Cực xa xôi nhưng trong số những người ấy, ít ai có đủ năng lực để tiếp tục đi xa hơn như Hoàng Thị Minh Hồng trong hành trình bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Không những vậy, theo chia sẻ của người phụ nữ này, chị thấy rằng con đường để giải cứu những loài động vật hoang dã kia và thay đổi một chút quan niệm về sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã còn gian nan, vất vả hơn đường tới Nam Cực. Với Nam Cực, hành trình của chị chỉ phải đối mặt với sự lạnh giá của thiên nhiên thì hành trình bảo vệ động vật hoang dã chị lại phải đối mặt với nhiều tổ chức tội phạm được tổ chức tinh vi với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Chị kể, vài năm trước chị đã làm việc cùng nhiều tổ chức, cá nhân là những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng để kêu gọi cộng đồng không săn bắt, buôn bán tê tê, một loài động vật có vú nhỏ bé đang có nguy cơ tuyệt chủng. Rồi thông điệp ấy đã được những cơ quan có thẩm quyền đưa vào luật, cấm săn bắt, buôn bán những cá thể tê tê vì nguy cơ tuyệt chủng của loài này năm 2016. Vẫn biết, quy định của pháp luật sẽ không lập tức buộc người ta dừng việc sử dụng sản phẩm của tê, không dừng ngay việc săn bắt tê tê… nhưng nó chắc chắn đã làm giảm các hành vi trên vì án phạt lên tới nhiều năm tù nếu vi phạm.

Tôi hỏi điều gì đã khiến chị có thể vượt qua và gắn bó một hành trình dài nhiều năm với những loài động vật hoang dã xa lạ ấy thì Minh Hồng bảo rằng, đó đam mê của chị. Từ định mệnh cuộc đời, chị tiếp tục bước đi để biến nó thành niềm đam mê. Nhưng thứ làm chị thành công là đã truyền niềm đam mê ấy cho rất nhiều người khác. Thực tế, nếu so với khoảng 10 năm trước, hiện nay thói quen về sử dụng các sản phẩm từ thú rừng của người Việt ít nhiều đã thay đổi. Từ việc săn bắt, buôn bán, sử dụng tràn lan thậm chí là công khai, nhiều loài thú rừng đã được pháp luật và cộng đồng bảo vệ. Trong đó, những người như Hoàng Thị Minh Hồng có nhiều tác động đáng kể.

Luôn cho rằng mình được thiên nhiên ưu đãi, Hoàng Thị Minh Hồng ám ảnh về việc phải “trả nợ” thiên nhiên. Rất ít người biết rằng, những thông điệp như Giờ Trái Đất, nói không với túi ni lông, nói không với sừng tê giác… đã trở thành thân quen với nhiều người hiện nay lại bắt đầu và được Hoàng Thị Minh Hồng khởi xướng, hoặc truyền về Việt Nam. Tất cả, với chị chỉ để truyền đi một thông điệp, hãy sống và tận hưởng cuộc sống một cách thân thiện với môi trường xung quanh.

Đoàn Đại Trí