Cầu thị để sửa sai
Câu chuyện biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông mới đang rất “nóng” tại nghị trường Quốc hội. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những ý kiến góp ý đều tâm huyết, trách nhiệm. Vì thế, những sai sót này phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học.
Trên thực tế, kể từ khi những sai sót của của bộ SGK lớp 1 Cánh Diều được chỉ ra, dư luân đặt nhiều nghi vấn về những khoảng trống trong việc biên soạn sách. Rằng phải chăng chúng ta quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung SGK?
Liệu có sự thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản trong việc thực hiện thẩm định, hay chính trong sự quyết định lựa chọn SGK của các địa phương?
Cùng với đó, việc dạy thử nghiệm và đánh giá kết quả cũng chưa thực sự rõ ràng. Phải chăng toàn bộ quy trình thực nghiệm là một “điểm mờ”, chỉ những người trong cuộc mới hiểu…
Vẫn biết những băn khoăn nêu trên chưa thể trả lời ngay trong ngày 1, ngày 2; hay nói một cách khác đó là những câu hỏi khó. Nhưng điều dễ nhìn thấy nhất là những đứa trẻ vừa bước vào học lớp 1 được chừng một tháng thì SGK mà chúng đang học bị phát hiện có những hạt sạn.
Một vài phụ huynh có ý kiến thì chưa mấy ai quan tâm, nhưng đến khi cả giáo viên và nhiều người cùng nhận ra có gì đó bất ổn trong những quyển SGK của học trò lớp 1, thì bấy giờ Bộ GDĐT mới vào cuộc, yêu cầu bổ sung, sửa chữa.
Như thế khác nào chuyện thật như đùa, bởi đã qua đủ các quy trình biên soạn mà sao sách vẫn chưa hoàn thiện. Vậy tại sao lại báo cáo là việc thử nghiêm đã đạt kết quả tốt? Xin hỏi tốt ở đâu?
Giáo dục là một vấn đề lớn, liên quan đến mọi người mọi nhà. Chúng ta cũng đang trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, nên việc người dân quan tâm đến giáo dục, đến chương trình và SGK mới, âu cũng là điều dễ hiểu.
Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội vừa rồi là tất cả ý kiến góp ý đều tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ GDĐT, cho ngành giáo dục có bộ SGK tốt nhất để thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tất nhiên là sai đến đâu, sai mức nào cần có sự đánh giá của cơ quan chuyên môn. Nhưng những sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Những việc liên quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới đi học, người bình thường không hiểu thì phải trao đi đổi lại một cách cởi mở và cầu thị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT tiếp thu theo đúng tinh thần như vậy. Cùng với đó, có một điều đáng lưu ý mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra rằng, có nhiều việc Bộ GDĐT không thông tin kịp thời và có sự trao đổi cần thiết để đại biểu và người dân có thông tin đầy đủ.
Sau sự cố SGK lớp 1 Cánh Diều, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã nhìn nhận rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra sai sót khi biên soạn SGK; đồng thời Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo cương quyết, đó là thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK.
Hiện Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GDĐT, đối với những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc để quy trình thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 và các năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng tương tự.
Nhưng rút kinh nghiệm thế nào để tránh những sai sót lặp lại. Vì hiện nay SGK lớp 2 và lớp 6 vẫn còn đang trong quá trình biên soạn. Chúng ta sẽ có bao nhiêu thời gian để triển khai thực nghiệm SGK mới? Có bao nhiêu thời gian để nghiệm thu và báo cáo kết quả thực nghiệm sách mới?
Trong khi chỉ cách đây vài ngày Bộ GDĐT mới tổ chức chương trình góp ý vào tài liệu đổi mới chương trình lớp 5 và lớp 9 hiện hành cho “khớp” với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, nhất là đối với lớp 6 triển khai ngay trong năm học 2021- 2022.
Thời điểm này SGK còn chưa biên soạn xong, vậy sẽ “khớp” kiểu gì? Rồi còn nữa là việc bổ sung các quy định về tổ chức thực nghiệm bắt buộc trong quy trình biên soạn SGK, theo lãnh đạo Bộ GDĐT, hiện còn đang trong quá trình nghiên cứu…
Dạy và học là cả một quá trình, việc đổi mới giáo dục cần phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, chứ không thể là chuyện vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa thí nghiệm. Đến khi phát hiện ra những sai sót lại vội vã cuống cuồng sửa.
Sự thiếu chuyên nghiệp thể hiện ngay từ những trang sách đầu đời dành cho con trẻ, khác nào cứ làm cốt cho xong việc mà việc gì cũng chẳng đến nơi, đến chốn.