Nỗi lo sông nuốt nhà
Sau lũ, ngoài mất mát về người và tài sản, người dân xứ Nghệ còn thấp thỏm, lo âu khi nhiều nhà dân đứng trước nguy cơ bị sông “nuốt chửng” do tình trạng sạt lở, trong khi giải pháp di dời người dân đến khu vực an toàn vẫn chưa thể thực hiện được ngay.
Dân kêu cứu
Đầu tiên phải kể đến hàng chục hộ dân thôn Minh Đức, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Thời gian qua, đặc biệt là sau lũ, họ đã phải kêu cứu cơ quan chức năng trước tình trạng sạt lở dọc bờ sông Rộ.
Được xem là hộ bị sạt lở nặng nề nhất, gia đình cụ Nguyễn Thị Trinh (90 tuổi) trú ở thôn Minh Đức nhiều năm liền sống trong lo lắng bởi nhiều tài sản, khu vực chăn nuôi của gia đình đã bị trôi hết xuống sông, nhất là sau trận lũ vừa qua.
“Trước đây, bờ sông cách nhà hàng chục mét, nhưng do sạt lở nhiều năm qua đã vào đến tận vách nhà. Mỗi khi có mưa to, xảy ra lũ lụt, gia đình vô cùng lo âu vì nhà cửa có thể bị đổ sập xuống sông lúc nào không biết”, ông Nguyễn Đình Thọ con trai cụ Trinh cho biết.
Đợt vừa qua, gia đình đã mua hơn 40 xe đất đổ phía mép sông để đảm bảo an toàn, nhưng đã trôi hết theo dòng nước lũ.
Quan sát dọc bờ sông Rộ, đoạn qua thôn Minh Đức thấy nhiều diện tích đất bị lấn sâu vào khu vực nhà ở từ 2-5 m, nhiều nhà dân nằm chênh vênh bên mép sông khiến họ hàng ngày luôn sống trong cảnh bất an. Đặc biệt, trận mưa lũ vừa qua đã nhấn chìm toàn bộ hệ thống chuồng trại chăn nuôi và đất ở của một số hộ dân.
Cách đó không xa, xóm Đồng Thượng, xã Thanh Lĩnh có 3 hộ gia đình sống sát cạnh sông Lam. Vào tháng 10/2019 vừa qua, bờ kè sau nhà bỗng nhiên đổ sập dù mới xây dựng trước đó. Sau lũ, một phần sân phía sau nhà tụt hết xuống sông.
“Tính từ bờ kè, đến nay tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào gần 30 m. Riêng trận lũ vừa qua, nhà tôi đã bị sông “ăn” mất 7m. Nhiều hộ dân ở đây rất lo lắng, mong nhà nước có biện pháp khắc phục, bởi nguy cơ mất an toàn đang hiện hữu”, anh Đinh Xuân Dũng, xóm Đồng Thượng phản ánh.
Trong khi đó, hơn 20 hộ dân thuộc thôn 1, xã Tam Sơn (Anh Sơn) cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Chỗ ít nhất mất cỡ một vài mét, nhiều thì từ 4 – 5 m trở lên.
Ông Bùi Xuân Hòa, Thôn 1, xã Tam Sơn cho biết, sau trận lũ vừa qua, sông đã “khoét” sâu vào vườn nhà hơn 2 m, hàng chục cây chuối sắp sửa cho thu hoạch đã bị cuốn xuống lòng sông. Vườn nhà ông vẫn xuất hiện thêm những vết nứt lớn, dự báo đất và cây sẽ tiếp tục bị mất.
“Hiện tượng sạt lở bắt đầu diễn ra khoảng 10 năm nay, sau mỗi trận lũ lớn, nhỏ là vườn nhà bị mất đi ít nhiều. Tính từ năm 2010 đến nay, sông đã khoét sâu vào vườn 50 m, thiệt hại khoảng 1.000 m2, chưa kể một diện tích lớn đã bị lún xuống so với ban đầu khoảng 50 cm. Tôi đã nhiều đêm thức trắng để tìm cách giữ đất nhưng cũng bất lực ”, ông Hòa lo lắng.
Chính quyền loay hoay
Tại những địa phương trên, tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều năm. Cứ sau mỗi trận lũ, hiện trạng sạt lở lại nặng nề hơn. Tuy nhiên, dường như chính quyền sở tại vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết, 2 năm trước xã đã lập hồ sơ về việc di dời nhà ở của các hộ dân khỏi vùng đất có nguy cơ sạt lở bờ sông và đã được UBND tỉnh đồng ý, song đến nay việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, một số hộ dân không thống nhất, việc thu hồi gặp khó khăn và không thực hiện được.
Ông Nguyễn Tư Hùng, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, phương án lâu dài là phải tái định cư cho hộ dân. Trước mắt, khi xảy ra lũ lụt, mưa bão, chính quyền địa phương phải hỗ trợ người dân di dời và vận chuyển đồ đạc đến nơi khác để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, ông Đậu Văn Anh, cán bộ Địa chính xã Tam Sơn cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đất ở của người dân thôn 1 đã diễn ra khoảng 10 năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Hiện đoạn bờ sông bị sạt lở mạnh có chiều dài hơn 1 km với 23 hộ bị ảnh hưởng tổng diện tích gần 10.000 m2”. Những ngày diễn ra mưa lũ, lực lượng chức năng của xã và Ban quản lý thôn đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi và ứng trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình.
Theo ông Đậu Văn Anh, cán bộ địa chính xã Tam Sơn, để phòng, chống sạt lở, hàng năm xã đều vận động nhân dân trồng tre dọc bãi và bờ sông nhưng vẫn không ngăn được sông lấn đất. Thậm chí, những bụi tre và cây cơi được trồng từ hàng chục năm trước cũng bị đổ xuống sông và nước cuốn.
Nếu theo đà này, ít năm nữa bờ sông sẽ tiến sát nhà ở, đe dọa sự an toàn của hàng chục hộ dân. Còn ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông, người dân bị mất đất ở đang là mối lo lớn.
Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện và mong được cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè mới đủ khả năng chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bà con nhân dân”.