Truy tận cùng trách nhiệm
Ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Câu hỏi đặt cho ai người đó trả lời nên các vấn đề chất vấn khá rộng, nhiều lĩnh vực; đều là những vấn đề nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội.
Mua vaccine sớm không dễ
ĐB Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, Việt Nam đã rất thành công trong công tác phòng, chống dịch và đang trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao và khó lường.
Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những giải pháp căn cơ để phòng, chống dịch Covid-19 lây nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới và cho biết tiến độ nghiên cứu vaccine Covid-19 như thế nào?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ, nhất là những người nhập cảnh không chỉ trái phép, mà đặc biệt là đối tượng nhập cảnh hợp pháp vào để phát triển kinh tế - xã hội và đón người Việt Nam về.
Nhưng căn cơ là bên trong, phải chung sống an toàn. Hiện đã đưa lên một bản đồ số chung sống an toàn với Covid-19 để tất cả hàng triệu cơ sở phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của y tế và mức xanh thì được tiếp tục hoạt động.
Theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là vaccine. Một vaccine bình thường thời gian ít nhất từ 5 đến 10 năm mới có. Để xem các vaccine có tác dụng phòng bệnh không đầu tiên là sử dụng thử trong phòng thí nghiệm, thử với động vật nhỏ như chuột bạch, sau đó đến động vật tương đương như người, là loài linh trưởng.
Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu vaccine, hiện nay có 2 đơn vị đã tương đối đi trước. Dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người. Nếu vaccine trong nước thì nhanh nhất cũng phải cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới sản xuất được.
“Việc mua vaccine sớm không hề dễ bởi vì tất cả các công ty hiện nay đều ở tình trạng là nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và đều chưa có gì là chắc chắn. Do đó tất cả Chính phủ các nước nếu muốn mua của các công ty thì gần như phải đặt cọc hoặc trả tiền trước và rủi ro hết sức cao, vì hiện nay việc sản xuất vaccine vẫn là việc tương lai.
Vì vậy giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn phải tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch”- Phó Thủ tướng cho biết; đồng thời đề nghị: Các Bí thư Tỉnh ủy, các Đoàn đại biểu Quốc hội và tất cả các ngành không thể chủ quan bởi trên thế giới nửa triệu ca nhiễm mới một ngày.
Chúng ta vẫn được yên bình như thế này thì phải chung sống và đầu tiên là trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, đến tất cả cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, chợ búa, siêu thị, nhà máy, công sở phải phòng dịch tốt.
Làm gì để giữ danh dự và uy tín ?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng dư luận bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán. Vậy thực hiện biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành Công an?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Tiêu cực của một số cán Bộ Công an tại cơ sở nếu có là trường hợp hết sức cá biệt. Hiện Bộ Công an đã triển khai lượng lớn đưa cán bộ về cơ sở, cấp phường, thị trấn, cấp xã đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.
Quan điểm của Bộ là kiên quyết trong xử lý các sai phạm tiêu cực thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa chấn chỉnh xử lý các sai phạm tiêu cực của cán bộ chiến sĩ, không bao che tất cả trường hợp nào.
Để chống tiêu cực trong ngành công an, theo Bộ trưởng Tô Lâm, đã tăng cường giáo dục chính trị trong toàn lực lượng, với quan điểm “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất sẽ còn mãi với thời gian” như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm với các đơn vị thủ trưởng, chịu trách nhiệm quản lý cán bộ trong từng đơn vị được phân công phụ trách. “Nếu có cán bộ vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát thi hành kỷ luật Đảng trong công an nhân dân, kiên quyết xử lý các vi phạm, không bao che né tránh. Đồng thời công khai minh bạch kết quả xử lý”, Bộ trưởng Lâm cho hay.
Tuy nhiên tranh luận lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần có giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng trên vì đây chính là thông tin của người trong ngành. “Có đồng chí Phó Công an phường ở quận Ba Đình đã nói với tôi về vấn đề này, và tôi cũng đi thực tế.
Do đó, Bộ trưởng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để kiểm soát tránh việc “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Ngay ngày hôm nay tại TPHCM ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú có 7 Công an bị bắt gồm 2 Trung tá, 1 Thiếu tá, 2 Đại úy, 2 Thượng úy liên quan đến ăn tiền, thả 2 người tàng trữ sử dụng ma túy để lấy 24 triệu và 2 chỉ vàng. Câu chuyện thế này còn tồn tại chứ đừng nói đến chuyện đi thu tiền của người dân là bình thường”.
Đề cập đến việc nâng cao chất lượng cán bộ của ngành Tòa án được ĐB Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) đặt ra, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, đã yêu cầu bắt buộc tất cả các thẩm phán toàn quốc phải có mỗi năm ít nhất có một vụ án điểm, trực tiếp chủ trì để rút kinh nghiệm qua đây là bài học thực tiễn để tự đào tạo.
Bên cạnh đó, tất cả các kỳ thi thẩm phán sơ cấp, trung cấp, thi nâng ngạch, muốn được bổ nhiệm là thẩm phán sơ cấp, trung cấp hay cao cấp đều phải qua kỳ thi quốc gia một cách thực chất và chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành trong kỳ thi này.
Chậm sắp xếp các đơn vị sự nghiệp do cơ chế?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập đến nay thì không đạt yêu cầu đề ra và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục.
“Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này và trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để tháo gỡ những điểm nghẽn để vấn đề trên được thực hiện một cách căn cơ?”, ông Phương nêu vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 của Đảng đã giao nhiệm vụ rất rõ đến năm 2020 phải thực hiện được 3 mục tiêu như: tổ chức, sắp xếp lại, giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tinh giản 10% những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp công lập; thực hiện tự chủ 10% đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đến giờ này đối với Trung ương đã giảm được 9,09%. Đối với địa phương đã giảm được 7,34% đối với các đơn vị sự nghiệp công lập về mặt sắp xếp, tổ chức.
Về tinh giản biên chế những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng: Đến giờ đối với những đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm được 11,98% số biên chế được giao so với năm 2015 không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Còn mục tiêu về vấn đề xây dựng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là thực hiện theo Nghị định 16 của Chính phủ. Nghị định 16 Chính phủ đã quy định giao cho 6 bộ, ngành đề xuất với Chính phủ xây dựng 6 nghị định để tự chủ theo từng ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên đến nay mới có 2 nghị định.
“Gần đây Chính phủ có kết luận về Nghị quyết là giao cho Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự thảo một nghị định để thay thế toàn bộ Nghị định 16 về vấn đề tự chủ các sự nghiệp dựa trên quan điểm thực hiện tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế và kết hợp với cơ chế tiền lương.
Do đó Nghị định 16 sửa đổi sẽ bao gồm tất cả các nghị định khác mà các bộ, ngành không phải xây dựng, trừ những trường hợp có liên quan đến việc điều chỉnh các quy định của các bộ, ngành chuyên môn thì trình Chính phủ sửa đổi các nghị định đó”, Bộ trưởng phân trần và cho rằng “chậm ở đây là do vấn đề cơ chế”.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thông tin, đến giờ Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 2 nghị định như: Nghị định 106 về vấn đề vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 120 về tổ chức thành lập, giải thể, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên muốn thực hiện cơ chế tự chủ đòi hỏi phải có 3 nghị định cho nên hiện đang chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 16 nữa sẽ tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện trong thời gian tới.