Xin cấp phép để A Kâm tiếp tục được làm việc tốt
Chuyện A Kâm mở lớp và duy trì dạy học miễn phí cho trẻ trong làng thành phố Kon Tum, rồi bỗng nhiên vì lý do chưa có giấy phép, lớp học bất ngờ phải đóng cửa trong tiếc nuối của dân làng và hụt hẫng của các em học sinh...
Từ chiều sang tối chị em Y Nes chỉ chú tâm vào việc xem phim hoạt hình. Cách đây hơn 1 tháng thì khác, Y Nes chắc chắn đang ngồi học bài ở lớp học miễn phí của thầy A Kâm. Thời gian đầu tới trường, Y Nes chậm nói hơn các bạn nên gặp khó khăn khi phát âm Tiếng Việt. Sau 3 năm được thầy Kâm kiên trì hướng dẫn, giờ không chỉ tiếng Việt, Y Nes còn nói được cả tiếng Anh. Lớp học của thầy Kâm đóng cửa, Y Nes thấy hụt hẫng.
“Con học chỗ thầy Kâm từ lớp 1 giờ con học lớp 4 rồi. Thầy dạy con Toán với Tiếng Việt. Những bài con ở trên lớp không làm được về nhà con hỏi thầy Kâm con làm. Thầy Kâm giúp con, giảng bài cho con để con dễ hiểu hơn. Giờ thầy Kâm không dạy nữa, con rất buồn”, Y Nes nói.
Không chỉ học sinh buồn, các phụ huynh trong làng có con em học tại nhà A Kâm cũng đều tiếc nuối. Chị Y Cher chưa học hết lớp 12, việc chỉ bảo con cái học hành chị không làm được nên nhờ cả vào A Kâm.
“Em Kâm nó hiểu hơn nhiều, ở nhà chị đâu có biết dạy em mấy cái chữ khó khó đâu”, chị Y Cher cho biết.
Nhà A Kâm ở cuối làng Kon Kơ Tu. Bình thường giờ này, lũ trẻ tập trung học bài. Mấy chục đứa trẻ đều hiếu động, tinh nghịch nhưng nghe lời thầy răm rắp. Hơn 1 tháng nay lớp học miễn phí đóng cửa, 18 bộ bàn ghế cùng chiếc bảng đen đủ chuẩn A Kâm dành dụm mua phục vụ lũ trẻ giờ thành vô dụng. A Kâm vừa hoang mang vừa chưa biết làm cách nào để được cấp phép từ ngành chức năng.
“Em sợ liên quan đến về phía chính quyền tại vì vừa rồi bên Phòng Giáo dục có phản ánh đến chính quyền địa phương. Họ kêu là nếu mà em muốn dạy thì phải làm giấy đăng ký này kia. Em đang cho tạm ngưng lớp này để giấy tờ thế nào em hoàn thành”, A Kâm lo lắng nói.
Mặc dù rất muốn nhưng A Kâm cũng không biết cách nào hoàn thành được đủ giấy tờ để tổ chức lại việc dạy học cho con em trong làng. Lý do là việc nhắc nhở, cảnh báo về lớp học của A Kâm từ một người xưng là cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cũng chỉ thông qua điện thoại. Đến nay chưa có ai vào tận nhà kiểm tra thực tế và hướng dẫn A Kâm làm các thủ tục giấy tờ cần thiết.
Không chỉ A Kâm sốt ruột, các bậc phụ huynh làng Kon Kơ Tu còn sốt ruột hơn và chỉ mong lớp học thầy Kâm mở cửa trở lại. Chị Y Trinh than thở, thầy Kâm không dạy nữa, lũ trẻ trong làng lại ham chơi, nghịch dại thôi.
“Thấy mấy bạn chơi ở ngoài, không chịu học đâu. Cứ đi ra ngoài rồi chạy đi chơi. Nếu có lớp mở thì mấy em xuống tập trung học vui hơn, thích học ở trong đó hơn, chứ học ở nhà đa số là không chịu học bài. Với lại ba mẹ chủ yếu là làm nông nên họ không có rèn được con của họ. Cứ bỏ như vậy, muốn học thì học còn không thì thôi”, chị Y Trinh bày tỏ.
Làng Kon Kơ Tu có hơn 120 hộ dân Ba Nar sinh sống. Cái ăn còn chưa đủ, chưa ngon nên bà con ít quan tâm đến việc học hành của con cái. Những năm gần đây thành phố Kon Tum định hướng phát triển Kon Kơ Tu thành làng du lịch cộng đồng.
Cũng vì vậy, A Kâm quyết tâm mở lớp và duy trì dạy học miễn phí cho trẻ trong làng nhất là môn Tiếng Anh. Việc này phù hợp với khả năng của A Kâm vì bản thân đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh. Thôn trưởng A Nun cho biết, chỉ có cái chữ mới thay đổi được tương lai lũ trẻ và A Kâm đang góp phần làm tốt việc này.
“Có em Kâm dạy thêm, các đứa cháu thay vì học bài ở nhà thì học bài tại nhà em Kâm. Em Kâm tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp thu các môn đã học trên lớp”, Trưởng thôn A Nun nói.
Thời điểm đông nhất lớp học miễn phí của A Kâm ở làng Kon Kơ Tu thu hút khoảng 90 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 theo học. Để có đủ không gian cho các em học tập, A Kâm dành phần lớn tiền lương công việc đang làm là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đăk Rơ Wa để cơi nới nhà cửa thành lớp học.
Rồi tích cực vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, bút mực và cả bánh kẹo khuyến khích các em học tập. Với ý thức chấp hành các quy định nếu có, A Kâm hiện đang tìm hiểu nhưng vẫn chưa biết cách nào để có giấy phép tiếp tục được làm việc tốt mà mình mong muốn.