Vay tiền qua ứng dụng trên mạng: Cha đi vay con bị lập bàn thờ
Một khi đã lỡ vay qua ứng dụng trên mạng (app), thì người vay không thể thoát thân. Nhiều người đang chìm vào vòng xoáy nợ nần do lãi mẹ đẻ lãi con. Muốn chần chừ hoãn nợ cũng không được vì chủ nợ có nhiều cách ép buộc tàn bạo, kể cả uy hiếp tính mạng.
Lãi suất siêu tưởng: 3000 %/năm
Anh Trần Viết T. (Bắc Ninh) cho hay, tháng 9/2020, anh có tải app Mo Dong và đăng ký vay. Sau đó, app này thông báo cho vay 1,6 triệu đồng, kỳ hạn 7 ngày, nhưng số tiền mà app này giải ngân thực tế chỉ là 1 triệu đồng (600.000 còn lại trừ vào các loại phí). Sau 7 ngày, anh phải trả 1,6 triệu đồng. Như vậy, với số tiền thực vay 1 triệu đồng, anh phải trả lãi suất gần 8,6%/ngày, tương đương lãi suất hơn 3.000%/năm. Đây là mức lãi suất không thể tưởng tượng nổi!
Thời gian qua, với nỗ lực triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen, hình thức này có phần đỡ hơn. Song có một loại hình cho vay khác “cắt cổ” người dân ác hơn cả tín dụng đen truyền thống, đó chính là cho vay qua mạng (app).
Trong phiên thảo luận trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - đoàn Bắc Kạn đã phải nhấn mạnh vay qua mạng, cho vay qua app điện thoại còn tàn khốc hơn “tín dụng đen truyền thống”.
Có nạn nhân tâm sự, ban đầu chỉ vay 8 triệu đồng của 2 app và khi đến hạn không có tiền trả thì nhân viên của app giới thiệu vay ở app khác để trả nợ. Sau 3 tháng, từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng đến nay đã phải vay hơn 200 triệu đồng để trả nợ. Từ chỗ chỉ vay của 2 app thì đến nay đã phải vay của 64 app với số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hằng ngày.
“Đây là loại hình tín dụng đen kiểu mới, biến những con nợ nhỏ thành những con nợ lớn chất chồng những khoản nợ không thể trả nổi” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
Một trường hợp khác, mà phóng viên báo Đại Đoàn kết tiếp nhận cũng cho biết, vay qua mạng bủa vây người dân, dồn người dân vào đường nợ nần. Cụ thể, trường hợp chị Nguyễn.T.Nh kể, tháng 4/2020, do dịch bệnh, không có việc làm, chị đăng ký vay qua app Vay tia chớp và được thông báo giải ngân 2,9 triệu đồng trong 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền mà app gửi vào tài khoản của chị chỉ là 1,7 triệu đồng.
Sau đó, khi chị Nh. trễ hạn thanh toán 3 ngày, bộ phận đòi nợ gọi điện thông báo số tiền mà chị nợ là 5 triệu đồng (số tiền gốc, tiền lãi và lãi phạt), quấy nhiễu người thân của chị và đe dọa nếu chị không đóng đủ, họ sẽ về tận nhà. Quá lo lắng, chị lại vay tiếp mấy app khác như Ơi Vay, One Click để có tiền trả app Vay tia chớp. Vòng xoáy nợ nần của chị vì vậy tiếp diễn suốt 6 tháng qua.
Bí quá chỉ vay vài triệu, không ngờ nửa năm trả mãi vẫn chưa xong, không rút chân ra được. Từ khoản vay 1,7 triệu, đến nay chị đã nợ 5 app số tiền 50 triệu đồng.
“Cha ăn mặn, con khát nước”
Không chỉ lãi vay ngoài sức tưởng tượng. Hình thức đòi nợ của vay qua mạng cũng kinh khủng bội phần so với tín dụng đen “truyền thống”.
Cách đòi nợ của nhân viên các app còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen ngoài đời. Đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần của người vay. Ban đầu, các app cho nhân viên văng ra những lời lẽ thô tục, độc ác, liên tục gọi điện cho người vay và gia đình của họ và không những thế còn gọi điện cho tất cả những người có trong danh bạ điện thoại để bêu riếu người vay nhằm gây sức ép trả nợ. Có những nạn nhân đã tâm sự chỉ vì trót vay tiền mà bị khủng bố điện thoại suốt ngày đêm. Có những người đã bị khủng bố bởi hơn 200 số điện thoại khác nhau.
Khi biện pháp khủng bố điện thoại không có hiệu quả thì các đối tượng sẽ sử dụng triệt để mạng xã hội. Chúng cắt ghép hình ảnh của toàn thể gia đình người vay, đưa lên mạng ghép với hình ảnh gái mại dâm hoặc với các đối tượng phạm tội khác để làm nhục họ.
Thậm chí là có những cháu nhỏ là con cái của người vay, chúng cũng không tha khiến cho các cháu xấu hổ không dám tới trường. Có những trường hợp cha đi vay tiền nhưng con thì bị lập bàn thờ, đưa lên mạng xã hội hết sức độc ác. Đã có người vì không chịu nổi những áp lực này đã tự tìm đến cái chết để giải thoát, như các trường hợp ở Kiên Giang, Tiền Giang...
Vì sao không dám tố cáo?
Cho vay qua app thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến sau khi ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Việc vay và cho vay tiền qua app diễn ra nhanh chóng sau một số thao tác đăng ký đơn giản: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân.
Có nhiều app chính là của tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Theo thống kê hiện có khoảng 100 trang web cho vay qua mạng đang hoạt động, đi kèm là hàng chục app cho vay liên tục quảng cáo, mời chào người vay. Danh sách các app cho vay phổ biến là: Vay tia chớp, Moneycat, Cash fly, Tamo, Vamo, Enmo, Ucash, Atm, Suvay, Mycash, Wcrdit, Vay dễ dàng, Aili credit, 99 vay, Tiền đầy túi, Vay tích tắc, 16vay, Vay là có, Vay như ý, Easy loan, Moneytap, onecreit, Dotordong, Vay quá đã, An tâm vay, Momovay…
Trung tá Ngô Hồng Vương - Đội trưởng Phòng trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, một số mô hình cho vay qua mạng lãi suất lên 1.400%/năm, cao gấp 700 lần quy định
Ngoài lãi suất cắt cổ, tín dụng đen còn gắn với các hành vi đòi nợ côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.
Mặc dù gần đây, liên tục các app cho vay tín dụng đen bị lực lượng công an triệt phá, nhưng các app cho vay này như vòi bạch tuộc, chặt vòi này lại mọc lên nhiều vòi khác. Nhu cầu vay của người dân quá lớn cộng với lợi nhuận thu về quá khủng khiếp, chế tài xử lý lại chưa thực sự nghiêm khắc khiến các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động bất chấp.
Giới chuyên gia cho rằng hình thức cho vay qua app chính là hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) - là khoản cho vay trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay thông qua nền tảng công nghệ số kết nối trực tuyến (platform) mà không qua trung gian tài chính. Hình thức cho vay này đang chứa đựng nhiều rủi ro do sự thiếu hụt về hành lang pháp lý.
Giới chuyên gia cho rằng, phía Công an cần thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh, cơ quan tố tụng trung ương khẩn trương tổng kết những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật để xử lý đối với hành vi cho vay cắt cổ này; và kiến nghị Quốc hội sửa các quy định pháp luật có liên quan. Đặc biệt Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có các khoản vay nhỏ với thủ tục xét duyệt vay nhanh chóng, thuận lợi để giúp cho những người dân có nhu cầu tiếp cận được với các khoản tín dụng.
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, nếu tín dụng chính thức không phát triển, tín dụng đen sẽ có chỗ để nở rộ. Hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ” cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
* Mặc dù gần đây, liên tục các app cho vay tín dụng đen bị công an triệt phá, nhưng các app cho vay này như vòi bạch tuộc, chặt vòi này lại mọc lên nhiều vòi khác. Nhu cầu vay của người dân cộng với lợi nhuận thu về quá khủng khiếp, chế tài xử lý lại chưa thực sự nghiêm khắc khiến các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động bất chấp pháp luật.
* Tùy tiện bắt giữ người, đánh đập gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ… Các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.