Chiến lược ngoại giao vaccine

Ngọc Mai (Theo Asia Times) 08/11/2020 08:00

Trong cuộc chạy đua điều chế vaccine ngừa Covid-19, Trung Quốc nổi lên với những thành tựu mang tính tiên phong, cho dù quốc gia này không có những hãng dược phẩm “tên tuổi” như phương Tây. Nói như tờ Asia Times thì Bắc Kinh đã và đang tăng cường ảnh hưởng bằng “chiến lược ngoại giao vaccine”.

Tiêm vaccine ngừa dịch bệnh phổ biến ở Trung Quốc. Nguồn: DPA.

Nỗ lực y tế của Trung Quốc dường như đang nhận được sự hưởng ứng tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Trong tháng 10/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du khu vực với các điểm dừng chân tại Thái Lan và Malaysia nhằm quảng cáo độ tin cậy của vaccine do nước này điều chế. 3 công ty Trung Quốc đã cam kết cung cấp 250 triệu liều vaccine cho Indonesia - quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và có lẽ cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đều đang mong chờ sự xuất hiện sớm của các loại vaccine từ Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và y tế.

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng ở đấy. Những gì đang diễn ra cho thấy Trung Quốc rất nỗ lực trong việc quảng bá vaccine Covid-19 khắp châu Á, tới châu Phi và rộng hơn nữa, tới châu Âu và các nước Caribe. Dù có thể còn vài tháng nữa mới sản xuất hàng loạt loại vaccine Covid-19 đảm bảo an toàn, nhưng ở vào thời điểm này người ta đã nhận thấy chiến lược “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh. Trong một động thái liên quan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đảm bảo với Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một cuộc điện đàm rằng Trung Quốc rất coi trọng các mối quan ngại cũng như nhu cầu của Indonesia trong hợp tác vaccine.

“Chúng tôi cam kết rằng một khi việc phát triển và triển khai vaccine Covid-19 được hoàn thành ở Trung Quốc, các nước châu Phi sẽ là những nước đầu tiên được hưởng lợi” - ông Tập nói trong một cuộc họp với các lãnh đạo châu Phi hồi tháng 6. Còn vào tháng 7, theo Chính phủ Mexico, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hứa rằng Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh và Caribe để mua vaccine.

Các cam kết vaccine của Trung Quốc, cùng với việc hỗ trợ và xuất khẩu khẩu trang, máy thở khắp thế giới cho thấy tham vọng cũng như thành tựu của Bắc Kinh trong đại dịch Covid-19. Với những nước nghèo thì điều đó lại càng quan trọng. Ví dụ như với Pakistan, Ghazala Parveen - quan chức cao cấp Viện Y tế quốc gia cho rằng, “mọi người rất sẵn lòng sử dụng vaccine của Trung Quốc. Thực tế, chúng tôi được mọi người yêu cầu chuẩn bị vaccine càng sớm càng tốt”.

Tới nay, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về vaccine Covid-19 với 4 vaccine tiềm năng đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong khi đó, Mỹ có 3 vaccine tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm. AstraZeneca, công ty Anh -Thụy Điển nhận tài trợ của Chính phủ Mỹ, thì lại đã dừng thử nghiệm giai đoạn ba vì 2 tình nguyện viên tiêm vaccine xuất hiện phản ứng lạ.

Trên thực tế, việc đóng góp vào y tế toàn cầu là cơ hội để xây dựng quyền lực mềm. Nói như Jennifer Huang Bouey - nhà dịch tễ học tại RAND Corporation thì “điều đó có lợi về mặt ngoại giao nhất là trong lúc thế giới chao đảo vì Covid-19”.

Tuy nhiên, cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 không dành riêng cho bất cứ quốc gia nào hay tập đoàn dược phẩm nào. Tới nay, cho dù chưa có một loại vaccine hữu hiệu nào được công bố nhưng các hãng dược của Đức, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Việt Nam, kể cả Thái Lan, Bangladesh cũng đã cho thấy nhiều thành tích trong nghiên cứu. Đặc biệt với nước Nga, vaccine ngừa Covid-19 do Moscow sản xuất được cho là đã qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm và cho thấy kết quả tốt.

Nhưng cũng thật đáng ngại khi mà cuộc đua điều chế vaccine có dấu hiệu tích cực thì Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, với EU,làn sóng Covid-19 thứ hai đang tung hoành tại Pháp, Italy, Anh, Tây Ban Nha, khối Bắc Âu… khi mà mùa Đông đã đến chính là lúc virus sinh sôi nảy nở với tốc độ khác thường.

Ngọc Mai (Theo Asia Times)