Sống khổ trong làng nghề Mẫn Xá
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm làng nghề tái chế nhôm (thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá được phê duyệt. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, dự án làng nghề vẫn chưa hoàn thành. Lò nấu nhôm mọc lên như “nấm sau mưa”, người dân nơi đây vẫn ngày đêm đối mặt với vấn nạn ô nhiễm.
Ảnh hưởng ô nhiễm từ khi còn trong bụng mẹ
Văn Môn những ngày này không khí như đặc lại khiến cuộc sống người dân rất ngột ngạt.
Vừa chỉ cho phóng viên thấy bãi đổ chất thải cao như núi, rồi những ống khói của các hộ làm nghề tái chế nhôm, nằm xen kẽ giữa nhà dân, ông Nguyễn Văn Duy -Trạm trưởng Trạm Y tế xã Văn Môn vừa nói: “Môi trường không khí mấy hôm rồi ở Văn Môn cực kỳ tệ hại. Các anh là người lạ, từ nơi khác đến, chắc chắn sẽ thấy ngộp thở. Còn đứng gần lò, thì kể cả là người khỏe đi chăng nữa, chắc chắn các anh sẽ không chịu nổi quá 30 phút. Ấy vậy mà nhiều thế hệ dân làng Văn Môn chúng tôi vẫn phải sống vậy đó”.
Vẫn theo ông Trạm trưởng Trạm Y tế xã, lò nấu nhôm thường hoạt động từ 4 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Thậm chí nhiều hộ, nếu đủ lao động, lò sẽ nấu 3 ca liên tục. Quá trình hoạt động, lò nấu nhôm sinh ra khói trắng, cùng lượng lớn xỉ nhôm, xỉ than, hay còn gọi là chất thải rắn, đều khiến môi trường ô nhiễm, gây hại tới sức khỏe.
Về thực trạng trên, ông Duy cho hay, môi trường ô nhiễm quá rõ, nên người dân mắc các bệnh đường hô hấp là rất nhiều. Theo ông Duy, trẻ sơ sinh từ lúc còn nằm trong bào thai đã phải chịu bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm. Vì cha mẹ chúng phải sống trong môi trường làng nghề nấu nhôm lớn nhất miền Bắc.
Vẫn theo ông Trạm trưởng Y tế xã, số người tử vong do mắc ung thư vẫn chưa được thống kê chính xác. Bởi do tâm lý che giấu, lo sợ con em mình khó lòng kết hôn, lập gia đình, khi đến tuổi cập kê. Những trường hợp qua đời do ung thư, được Trạm Y tế xã Văn Môn xác định chủ yếu là mắc ung thư phổi, vòm họng.
Bao giờ cụm công nghiệp làng nghề mới hoàn thành?
Theo ông Nguyễn Hoàng Gia - Chủ tịch UBND xã Văn Môn, làng nghề Mẫn Xá được xem là làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc. Các hộ dựng lò tái chế nhôm chủ yếu tập trung ở thôn Mẫn Xá và phát triển rất mạnh khoảng 20 năm gần đây. Do nghề nấu nhôm đem lại thu nhập cao, thay đổi gần như toàn bộ đời sống người dân, nên hiện có khoảng 90% lao động địa phương gắn bó với nghề.
Hiện Văn Môn có không dưới 300 lò nấu nhôm các loại hoạt động ngày đêm. Quá trình nấu nhôm, những lò đốt này tạo ra cả chục tấn xỉ than, xỉ nhôm.
“Trước tình trạng người dân tự ý đổ chất thải, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an xã, dân phòng thôn Mẫn Xá phối hợp tuần tra, ngăn chặn. Song do lực lượng mỏng, thẩm quyền xử lý của UBND xã còn nhiều hạn chế” - ông Gia lý giải.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do các hộ đốt lò trong làng nghề tự ý đổ xỉ nhôm, xỉ than ra môi trường, nên lượng chất thải rắn phát sinh ở Văn Môn, trung bình rơi vào khoảng trên dưới 80 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn công nghiệp đổ trái phép kể trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đất, mạch nước ngầm và sức khỏe người dân sinh sống trong làng nghề.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc, đầu năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 478/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá -Văn Môn, do Công ty CP Tập đoàn Hanaka làm nhà đầu tư, với diện tích 29,6 hecta.
Cụm công nghiệp hình thành sẽ thu hút các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong làng nghề Văn Môn. Kèm với đó, giấc mơ của nhiều thế hệ người làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc là được sống sạch, hít thở không khí trong lành sẽ thành hiện thực.
Thế nhưng, sau nhiều lần trì hoãn, chậm tiến độ, thì cho tới nay, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá chưa thể đi vào hoạt động và người dân làng nghề vẫn phải sống chung với vấn nạn ô nhiễm.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đại Đoàn kết, trong khi dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá còn dang dở, tình trạng đổ xỉ lò trái phép diễn ra công khai và thường xuyên ở Văn Môn mà không có một đơn vị nào kiểm tra giám sát, nên địa phương tồn tại lượng chất thải rắn công nghiệp khổng lồ, ước khoảng lên tới… 300.000 tấn. Trên thực tế, con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Liên quan tới thực trạng trên, ngày 9/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh đã có văn bản 808/STNMT-CCMT, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh duyệt chi số tiền hơn 233 tỷ đồng để xử lý hơn 300.000 tấn chất thải rắn. Phương pháp xử lý đề cập trong công văn: Chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch sử dụng số chất thải rắn kể trên để phối liệu sản xuất clinke xi măng. Giá thành vận chuyển, xử lý được tính là 573.460 đồng/tấn.
Nhưng tới nay đã 5 tháng trôi qua, chưa hề có động thái nào từ phía Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hoàng Thạch. Trong khi Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá còn bất động, thì những “núi” xỉ lò vẫn ngày một cao hơn.
Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, hơn 300 lò nấu nhôm ở làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc đổ thải ra môi trường khoảng 80 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Hoàng Gia - Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, theo kế hoạch, năm 2018, dự án phải hoàn thành và đưa vào hoạt động. Nhưng do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng từ hai đợt dịch Covid-19, nên mới đây, nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Hanaka đã xin giãn tiến độ. “Còn xin giãn tới bao giờ thì lãnh đạo xã như chúng tôi cũng không biết”, ông Gia phân trần.