Thay đổi tư duy đầu tư cho khoa học công nghệ
Cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vậy làm sao để khoa học công nghệ đưa đất nước “cất cánh”?
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết về vấn đề này.
PV: Thưa ông, khoa học công nghệ từ Đại hội VIII đã được xác định là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên kết quả đóng góp của khoa học công nghệ được đánh giá là chưa đạt được như kết quả mong muốn. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Ông Nghiêm Vũ Khải: Để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, vừa qua dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng đang được lấy ý kiến nhân dân. Đáng chú ý trong đó vấn đề về vị trí, vai trò của khoa học công nghệ đã được đặt cao hơn so với các đại hội gần đây. Đó là định hướng và tín hiệu tốt. Còn hiện thực tế mà nói, vừa qua đầu tư cho khoa học công nghệ tại Việt Nam rất thấp, không thể đáp ứng được yêu cầu.
Tôi đã tham gia 3 khóa Quốc hội, từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, gắn bó với ngành khoa học công nghệ lâu năm nên thấy rất nhiều trăn trở. Chúng ta xác định, mỗi năm chi 2% tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ nhưng thực tế khi quyết toán chỉ được 1,4 đến 1,5%.
Như vậy nếu tính trên GDP, chắc chỉ được khoảng 0,3% GDP. Còn các quốc gia hùng mạnh như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc họ đầu tư 3-4%. Như vậy ta chỉ bằng 1/10 họ, trong khi tổng ngân sách của ta lại nhỏ so với họ rất nhiều. Tại các nước, đầu tư 3-4% GDP nhưng ngân sách nhà nước chỉ khoảng một phần, còn lại là xã hội hóa từ các tập đoàn kinh tế.
Trong khi đó ở ta thì Nhà nước bỏ ra khoảng 60%, còn lại các tập đoàn, doanh nghiệp đóng góp rất ít. Việc chủ yếu dựa vào Nhà nước là lý do sự đóng góp của khoa học công nghệ chưa như mong muốn, và tiềm lực chưa được nâng lên.
Nếu chủ trương của Đại hội XIII xác định khoa học công nghệ là lực lượng dẫn dắt, là động lực quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, tính cạnh tranh của nền kinh tế thì chúng ta phải có thay đổi về đầu tư, tăng đầu tư nhà nước và cả đầu tư toàn xã hội cho khoa học công nghệ. Chi 2% trong tổng chi ngân sách là cần thiết.
Nhưng điều quan trọng là tại Điều 46 của Luật Khoa học công nghệ đã quy định tất cả các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình đầu tư đều phải có mục chi cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên các dự án rất lớn hàng trăm tỷ, chục nghìn tỷ đồng lại không bắt buộc phải nghiên cứu cơ sở khoa học để triển khai dự án, đánh giá hiệu quả, đánh giá những rủi ro.
Để khoa học công nghệ phát triển thì yếu tố quan trong là con người. Nhưngở ta vẫn có chuyện “chảy máu chất xám”. Suy nghĩ của ông về vấn đề này?
- Hiện đội ngũ khoa học kỹ thuật ở nước ta đã phát triển tương đối hùng hậu, đa dạng về ngành nghề, có trình độ cao. Nguồn lực đó một phần do đào tạo trong nước; một bộ phận được đào tạo ở nước ngoài và về nước làm việc trong nước; còn một bộ phận rất đông đảo hiện đang ở nước ngoài, làm ở các viện nghiên cứu, các trường đại học nổi tiếng của thế giới ở các nước G7, G20.
Tôi cho rằng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì không nhất thiết phải về nước mới là cống hiến bởi có nhiều phương thức. Theo đó xác định nhiệm vụ khoa học là then chốt thì Nhà nước phải đầu tư. Trên cơ sở đó, huy động nguồn đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn “đầu tàu”, họ phải thấy lợi ích trong đó họ mới đầu tư, tức là huy động lực lượng doanh nghiệp. Bởi họ sẽ là người huy động các nhà khoa học.
Như Vingroup họ có nhiều nhóm nghiên cứu, hay các tập đoàn kinh tế cũng có nhóm nghiên cứu thu hút các học sinh, nghiên cứu sinh, tiến sỹ ở nước ngoài về làm cho họ. Đó mới là cái đem lại hiệu quả. Trong thời đại này, ai nắm được khoa học công nghệ ưu tú, người đó sẽ có được lợi thế cạnh tranh.
Tài nguyên càng khai thác, càng nảy nở đó chính là chất xám và sự sáng tạo. Nhưng quan trọng làm sao có cơ chế để làm được việc đó, thưa ông?
- Như tôi đã đề cập ở trên, những nhiệm vụ nào mang tính chất công ích về khoa học công nghệ thì Nhà nước phải đầu tư. Còn nhiệm vụ mang tính chất ứng dụng, Nhà nước cần khởi xướng, thu hút các doanh nghiệp lớn để họ vào đầu tư. Hiện đã có các mô hình tương đối tốt như Vingroup, Viettel, các tập đoàn công nghệ đã huy động được lượng nghiên cứu sinh, tiến sỹ học ở các nước G7, G20 về. Họ là tầng lớp đông đảo và ưu tú.
Tôi đã tiếp xúc với họ, thấy họ đang có nhiều đóng góp. Vì thế mô hình này cần phát triển lên. Nếu chúng ta chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước, chắc chắn không đủ. Không có quốc gia nào chỉ dựa vào Nhà nước. Nhà nước đầu tư 1 thì đầu tư xã hội phải 3 đến 4 lần.
Các nước EU, Nhật Bản, Mỹ, Nhà nước bỏ ra 1 phần, còn doanh nghiệp và xã hội bỏ ra 3-4 phần. Cho nên tổng chi toàn xã hội cho khoa học công nghệ của họ rất lớn và có nhiều dự án nghiên cứu lớn. Từ đó mới đưa năng lực khoa học công nghệ của quốc gia đi lên. Trong thời đại ngày nay, ai nắm được nhân tài, ưu tú về khoa học công nghệ họ sẽ nắm được lợi thế cạnh tranh, lợi thế phát triển. Hiện về mặt chính sách của ta là tốt nhưng việc triển khai thực hiện còn rất hạn chế.
Trân trọng cảm ơn ông!