Khiếp sợ khi thủy điện xả lũ
Tỉnh Quảng Nam có trên 92 hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện. Điều đáng nói những hồ nước này đều nằm ở miền núi, trên các làng mạc của người dân. Hàng năm gió cùng với thủy điện xả lũ đã là nỗi khiếp nợ đối với người dân vùng hạ du.
Xả đúng quy trình?
Tại Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung từ khi có thủy điện người dân rất lo sợ khi nghe nhắc đến 2 tiếng xả lũ, dù là xả lũ điều tiết hay xả lũ khẩn cấp.
Mới đây nhất trong cơn bão số 9, người dân đã kêu trời khi Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Đó là lúc 16h ngày 28/10 trong lúc mưa lớn đang xảy ra thì thủy điện này xả lũ. Vì thế lũ trời cùng với lũ thủy điện đã khiến hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang bị trôi hết tài sản, nhà cửa bị hư hại nặng.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang đã phải thốt lên rằng: “Tôi sống ở đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ thấy một cơn lũ khủng khiếp như thế này”. Ông Sơn cho biết, chiều 28/10, ông nhận điện thoại báo tin Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào lúc 15h30, đến khoảng 16h dân ở thôn Rô, xã Cà Dy đã cuống cuồng đề nghị huyện ứng cứu. Khoảng 15 phút sau thị trấn Thạnh Mỹ kêu cứu, lực lượng cứu hộ phải phân chia ra ứng cứu vì tất cả điểm này đều bị ngập.
“Cũng may, trước cơn bão số 9 chúng tôi đã sơ tán nhiều hộ dân về Trung tâm hành chính huyện, nhiều chỗ chỉ còn vườn không nhà trống cho nên không ảnh hưởng về người”, ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo huyện Nam Giang, nguyên nhân là do Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ trong lúc trời mưa lớn, nước lên rất nhanh khiến lực lượng chức năng địa phương không kịp hỗ trợ di dời tài sản của người dân. Nhiều người dân đồng quan điểm với lãnh đạo huyện. Vụ xả lũ này đã khiến nhà cửa của 106 hộ ở thị trấn Thạnh Mỹ và 215 hộ ở xã Cà Dy bị ngập lụt, tất cả tài sản trong nhà bị trôi mất, kể cả gia súc, gia cầm, cây cối hoa màu.
Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng tài sản người dân không thiệt hại do bão số 9 nhưng lại bị thiệt hại nặng nề do thủy điện xả lũ.
Thế nhưng, làm với UBND tỉnh tại huyện Nam Giang ngay sau hôm xả lũ, đại diện lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Đăk Mi khẳng định rằng: “Chúng tôi xả lũ đúng quy trình”.
Nhưng trở tay không kịp
Nói về sự bất ngờ của xả lũ và sự trở tay không kịp, bà Đêm, trú thôn Pà Zá, xã Ca Dy cho biết, khi Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, khiến nước sông dâng cao chảy xiết, vợ chồng tôi chỉ kịp chạy thoát thân, còn lại mọi tài sản và gia cầm bị nước cuốn trôi.
Gặp chúng tôi sau khi nước rút xuống, trong lúc đang cùng chồng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa bà Đêm nói: Thủy điện xả lũ khiến gia đình tôi có 20 con vịt, 30 con gà, 2 con lợn, 1 một con trâu nghé bị cuốn trôi, ngôi nhà thì tan nát. Nước quá mạnh, quá nhanh không cách chi trở tay cho kịp. “Trở tay không kịp khi thủy điện xả lũ” cũng là câu nói của nhiều người mà chúng tôi gặp sau khi Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ.
Còn ở những vùng hạ du dọc sông Vu Gia - Thu Bồn, như huyện Đại Lộc hầu như năm nào người dân cũng chạy lũ. Lạ lùng, nước cứ nửa đêm đổ về khiến họ trở tay không kịp.
Còn Hội An cuối nguồn của tuyến sông này hay một số huyện, thị đồng bằng năm nào cũng bị lũ nhấn chìm. Nhiều nơi đường phố thành sông, nhà ngập sâu tới nóc.
Mới đây chúng tôi trở lại làng rau Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tận mắt chứng kiến vựa rau lớn nhất ở miền Trung đã bão lũ nhấn chìm. Cả cánh đồng rau Bàu Tròn hoang tàn xơ xác. Những cây ăn quả ngã đổ lẫn vào bùn đất. Nguyên do, thủy điện xả lũ điều tiết cũng với trời mưa to gây lũ lớn đổ về.
Nước ngập lâu ngày các diện tích rau màu bị thối rễ, cây ăn quả ngã đổ hư hỏng hoàn toàn. Có hơn 790 ha bị thiệt hại, trong đó cây lúa 31 ha còn rau màu, củ quả các loại hơn 499 ha, cây trồng hằng năm hơn 115 ha;… ước thiệt hại hơn 55 tỷ đồng.
Người dân chỉ còn biết kêu Trời và rơi lệ. Ông Nguyễn Năm (60 tuổi), trú xã Đại An nói trong nước mắt: “Xả lũ cái chi không biết, 500 cây đu đủ đang ra quả, mỗi cây thu được 100 kg có thể bán được từ 4.000 đến 7.000 đồng/kg giờ ngã đổ hư hỏng hết rồi. 6 tháng trời chăm bón chừ có còn chi đâu chú ơi”.
Không riêng ông Năm mà ở đây rất nhiều người lâm cảnh như ông, ông Nguyễn Văn Tiến (60 tuổi) cho biết, nếu không xảy ra lũ lụt thì vựa rau của ông có thể thu về được cả trăm triệu đồng. Nhưng giờ đây lũ cuốn sạch rồi, thứ còn lại vùi trong bùn đất cũng đành phải bỏ mà thôi.
“Lũ trời và lũ người xả là nỗi khổ hằng năm của người dân sinh sống dọc sông Vu Gia - Thu Bồn. Thiệt hại nặng nhưng chẳng có ai bồi thường, vì mấy ông thủy điện nói xả lũ đúng quy trình. Dân tình chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi mà thôi”, ông Tiến nói.
Cứ thế nhiều làng quê dọc sông Vu Gia - Thu Bồn ở dưới 22 dự án thủy điện đã được vận hành, hằng năm luôn kinh sợ với lũ và xả lũ.
Thế nhưng đối với các nhà máy thủy điện lúc nào họ cũng tuyến bố xả lũ đúng quy trình. Nhưng người dân vùng hạ du đã nhiều lần khiếp sợ với việc xả lũ đúng quy trình này. Vì có khi nửa đêm nước lũ bất ngờ đổ về họ trở tay không kịp. Thậm chí có lúc trời đang nắng nước sông cũng bất ngờ dâng cao khiến cả làng hối nhau bỏ chạy.
Trước việc Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc vận hành xả lũ như vừa qua là đúng quy định, giúp cắt giảm lũ cho hạ du, nhưng ông cũng thừa nhận mực nước đột biến khiến đỉnh lũ lên 15.571 m3/s rồi giảm xuống chỉ trong 30 phút, khi đó mức xả qua tràn nhà máy Đăk Mi 4 là 7.047 m3/s nên đã cắt được lưu lượng nước rất lớn cho hạ du. Nhưng với lưu lượng nước về hồ và với mức xả tràn như vậy thì tổn thất của người dân hạ du chắc sẽ có. Rất may, đã không xảy ra thiệt hại về người là điều đáng mừng.
Còn với người dân, nói như ông Nguyễn Văn Tiến, “đúng quy trình, thế nhưng người dân thì lúc nào cũng bị động, nửa đêm lũ đổ về, nước dâng ngập đường, ngập nhà, khiến chúng tôi trở tay không kịp, tài sản thậm chí con người cũng ra đi vì lũ. Vì thế người dân hạ du chúng tôi nghe đến 2 tiếng xả lũ là khiếp sợ” - đó cũng là ý kiến của nhiều người sinh sống ở vùng hạ du.
Đây không phải là lần đầu dân kêu trời về thủy điện xả lũ. Hằng năm cứ đến mùa mưa là thủy điện xả lũ, nếu được thông báo họ còn lo di dời con người, tài sản đến nơi an toàn, còn xả lũ bất ngờ thì hậu quả không ai lường hết được. Thế nhưng lúc nào các nhà máy thủy điện cũng đều cho rằng “chúng tôi xả lũ đúng quy trình”.