M&A như một làn sóng
Sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Việt Nam đã giúp ngành ngân hàng tăng trưởng tốt. Các ngân hàng Việt, cùng với một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tiêu dùng, dược phẩm vì thế trở thành thỏi nam châm hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Bán cổ phần để tăng vốn
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn của các ngân hàng, cộng với yếu tố kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực khiến sóng M&A ngân hàng sẽ tiếp diễn.
Có thể nói, lĩnh vực mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua dù có phần “ êm nhịp” nhưng vẫn là vấn đề được quan tâm. Các thương vụ mua bán vốn vẫn diễn ra. Chẳng hạn như OCB hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác Aozora (Nhật Bản). Hay như thương vụ MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư nước ngoài như: KIM Vietnam Growth Equity, ITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund, Fiera Capital… với giá bán 27.000 đồng/cp và thu ròng 1.720 tỷ đồng.
Trước đó nữa là VPBank cũng bán vốn ra nước ngoài bằng việc phát hành trái phiếu quốc tế có lãi suất danh nghĩa 6,25% và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.
Mục đích phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng là nhằm tăng quy mô nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cho vay trung dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và các đối tác.
Trong khi đó tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, lãnh đạo nhiều nhà băng cũng cho biết đang đàm phán hoặc đang trong quá trình tìm kiếm đối tác như trường hợp của Vietcombank, NCB, NamABank, LienVietPostBank, MSB, VPBank, SHB... Trong đó, 3 ngân hàng là MSB, VPBank và SHB đang xúc tiến bán công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc là FCCOM, FE Credit và SHB Finance.
Bà Trần Thị Bảo Ngọc - Giám đốc Phòng Dịch vụ Ngân hàng đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS cho rằng, nhu cầu nhà đầu tư dành cho thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng rất lớn. Trong đó, xu hướng nhà đầu tư quan tâm đến tài chính tiêu dùng, đặc biệt là các ngân hàng có nền tảng công nghệ.
Hiện nay, VN trở thành điểm đến khá an toàn, do đó nhà đầu tư chiến lược coi M&A là kênh mở rộng ra thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư tài chính muốn quan tâm đến mảng ngân hàng để tham gia chuỗi, phát triển thành hệ sinh thái để tăng cơ hội mở rộng thị trường và tìm kiếm lợi nhuận.
Vẫn theo TS Cấn Văn Lực, nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn cấp 1 của các ngân hàng Việt Nam hiện rất lớn, trong khi thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cung - cầu gặp nhau khiến thị trường M&A ngân hàng sẽ sôi động trong thời gian tới.
Ngoài ra, có nhiều lý do khác khiến M&A ngân hàng dậy sóng trở lại thời gian tới, như kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực, Chính phủ tuyên bố không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020. Chưa kể, theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh. Điều này khiến M&A ngân hàng tiếp tục sôi động.
Liên tiếp có thương vụ nóng
Tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Do sự tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Mặc dù vậy, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19 và nhiều cơ hội mở ra. Đó là sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn; các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA.
Hoạt động M&A trở nên sôi động trong các giai đoạn khủng hoảng, các giao dịch hứa hẹn bùng nổ khi bên bán có động lực giao dịch trước áp lực kinh tế. Với sự phát triển kinh tế, thị trường rộng lớn Việt Nam vẫn là tâm điểm của giới đầu tư khu vực và toàn cầu.
Mới đây nhất TADA Service Holding B.V - công ty con của Hãng dược STADA Arzneimittel AG (Đức) vừa thông báo mua 6 triệu cổ phiếu PME của Công ty cổ phần Pymepharco để nâng tỷ lệ sở hữu lên 69,99%. Giao dịch được thực hiện qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam vào ngày 3/11.
Như vậy có thể thấy rằng, sóng M&A vẫn đang tiếp tục nóng.