Thông tư về dạy văn hóa trong trường nghề: Cuối năm có kịp ban hành?
Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cuối năm 2020 sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn khối lượng kiến thức văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Tạo thuận lợi cao nhất cho người học
Đại diện của Tổng cục GDNN- Bộ LĐTBXH cho biết: Lâu nay nhiều trường CĐ, trung cấp có đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS phải tổ chức dạy các môn văn hoá ở một nơi khác (các trung tâm GDTX), khiến học sinh phải di chuyển 2 nơi khá bất tiện. Một số trường phối hợp với trung tâm GDTX để mời giáo viên về giảng dạy. Trước nhu cầu học sinh tốt nghiệp THCS học nghề ngày càng nhiều, gần đây nhất, Bộ LĐTBXH đã có công văn gửi Bộ GDĐT, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các em có thể vừa học nghề vừa học văn hoá THPT ngay tại trường, sau 3 năm là có cả bằng trung cấp lẫn bằng tốt nghiệp THPT nếu muốn
Trả lời công văn của Bộ LĐTBXH, ngay trong tháng 10 Bộ GDĐT đã có công văn đồng ý cho các trường nghề được dạy văn hóa THPT dành cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề. Theo công văn, Bộ GDĐT thống nhất để các cơ sở GDNN đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trung cấp nghề.
Bộ GDĐT đang soạn thảo và sẽ sớm ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo quy định của Luật giáo dục 2019. Để đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT cũng đề nghị Bộ LĐTBXH chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các cơ sở GDTX thực hiện giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.
Chất vấn tại Quốc hội vừa qua, ĐBQH đã nêu ra những khúc mắc trong việc dạy văn hóa ở các cơ sở GDNN, đồng thời đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GDĐT rằng vì lý do gì mà Thông tư hướng dẫn khối lượng kiến thức văn hóa trong các cơ sở giáo GDNN vẫn chưa được ban hành? Bao giờ sẽ được ban hành?
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GDĐT cũng đã chỉ đạo các Ban soạn thảo để tính toán khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, dạy trong trường nghề như thế nào là phù hợp. Bộ GDĐT đã lấy ý kiến và trực tiếp làm việc với Bộ LĐTBXH để thảo luận vấn đề này, đến nay làm xong Dự thảo Thông tư, cố gắng cuối năm 2020 có thể ra được.
Tránh chồng chéo kiến thức
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, sở dĩ Thông tư hướng dẫn dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN chưa thể ban hành ngay, bởi còn nhiều những nội dung đối chiếu lẫn các chương trình với nhau, tránh tình trạng chồng lấn giữa trường phổ thông, trung tâm GDTX và trung tâm dạy nghề, để khi ban hành ra mạch lạc, không bị chồng chéo.
Điểm thứ hai, về công văn, ông Nhạ cho biết, xét thấy trong quá trình chuẩn bị chưa ban hành được thông tư mới, nên đã có một công văn trả lời Bộ LĐTBXH (số 4656 ngày 2/11), trước mắt đồng ý với đề nghị của Bộ LĐTBXH là “các trường nghề vẫn tiếp tục dạy cho đến khi có văn bản mới”. Như vậy, hiện nay Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH đã phối hợp với nhau để sớm ban hành thông tư này, cố gắng khi ban hành thông tư phải khả thi và thực tế.
Trước đó, việc thực hiện dạy các môn văn hoá cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề được áp dụng theo theo Thông tư 16 của Bộ GDĐT và mới đây nhất là văn bản Hướng dẫn tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX của Bộ GDĐT ban hành ngày 31/7/2020. Theo đó, các trường nghề và trung tâm GDTX có thể phối hợp với nhau để tổ chức dạy văn hoá và nghề. Văn bản này của Bộ GDĐT trên thực tế đã gây khó cho các cơ sở GDNN và học sinh. Theo đó, các em sáng thì học nghề, chiều thì tới các trung tâm GDTX để học. Đi lại rất xa và rất khó khăn.
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết, “nút thắt” lớn nhất hiện nay chính là việc Bộ GDĐT chưa đưa ra được các văn bản để công nhận, chứng nhận được khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho các đối tượng có nhu cầu học liên thông. Đồng thời, quyền hạn dạy, công nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa cần mở rộng đến các cơ sở GDNN đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định của Bộ GDĐT là được dạy và công nhận phần này, chứ không thể để học sinh học một chương trình ở 2 nơi như hiện nay (trường nghề dạy nghề, trung tâm GDTX dạy văn hóa).
Giờ đây trước ngã rẽ vào đời, xu hướng học nghề đang được nhiều phụ huynh và các bạn trẻ lựa chọn, định hướng. Do đó, học văn hóa trong trường nghề ra sao cũng là một mối quan tâm của nhiều gia đình. Có những học sinh đã xác định học nghề là hướng đi vòng để lên các bậc học cao hơn. Vậy việc liên thông kiến thức có thuận lợi hay không - cũng là một tiêu chí để chọn học nghề lập nghiệp. Vì thế cần giải quyết thật sớm vấn đề học nghề và học văn hóa song song, để thuận lợi cho những hướng đi khác, nếu như sau này người học thay đổi ý thích, muốn học cao hơn hoặc chuyển đổi nghề nghiệp cũng không bị “chặn” bởi lý do không có bằng tốt nghiệp THPT.
Người học đang mong muốn Thông tư hướng dẫn nói trên sẽ được ban hành đúng như lời hứa của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Việc học văn hóa trong các cơ sở GDNN cần được phải được coi trọng, bởi dù làm thợ hay làm thầy, cũng cần phải đảm bảo đạt được lượng kiến thức văn hóa phổ thông cần thiết.