Siết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thời hạn từ nay tới 18/11. Dự kiến tháng 12/2020 sẽ ban hành Thông tư.
Dự thảo quy chế cho phép đối tượng đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ là người học có bằng đại học (ĐH) ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau. Với lợi thế của hình thức đào tạo tín chỉ, Dự thảo Thông tư này cho phép các trường có thể mềm dẻo về quy trình đào tạo, nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng.
Cụ thể mỗi đối tượng đầu vào, cơ sở đào tạo phải căn cứ vào chương trình đào tạo (ở trình độ ĐH) của người học để xác định những nội dung/học phần mà người học cần học bổ sung trước khi vào học chương trình thạc sĩ.
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, hiện nay nhu cầu học thạc sĩ gần với ngành học ĐH, thậm chí trái ngành là có thực. Bởi nhiều người trong quá trình công tác, đòi hỏi mở rộng ở các lĩnh vực khác với chuyên ngành đã học ĐH nên Dự thảo tạo điều kiện cho những người cần chuyển đổi là phù hợp. Tuy nhiên, tùy từng chuyên ngành cũng như tùy từng trường mà yêu cầu học bổ sung kiến thức sẽ kéo dài trong bao lâu, gồm những gì.
Để đảm bảo chất lượng của việc đào tạo, các chuyên gia giáo dục cho rằng cần có sự thanh kiểm tra thường xuyên của Bộ GDĐT. Bởi với ĐH, chất lượng đầu vào hiện nay đang công khai trước toàn xã hội trong mỗi kỳ tuyển sinh hàng năm. Có những trường lấy điểm rất cao, 9 điểm mỗi môn cũng trượt ĐH nhưng cũng có những trường lấy điểm thấp, chưa đến 5 điểm 1 môn cũng đỗ ĐH nên người học hoàn toàn có thể nhìn vào đó để làm cơ sở đăng ký nguyện vọng. Nhưng với tuyển sinh hệ cao học, gần như trường nào biết trường nấy. Đề thi riêng biệt và cách thức tuyển sinh cũng khác nhau nên người học khó có cơ sở so sánh. Việc thanh kiểm tra, kiểm định chất lượng đào tạo của các trường cũng cần phải làm nghiêm túc, chặt chẽ để tránh việc đào tạo dễ dãi, ai cũng học được thạc sĩ, đã thi là đỗ, đã học là ra trường.
Trên thực tế, tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường top cao đang kém hơn các trường khác. Không hiếm người học muốn chọn những trường “dễ” đầu vào và đầu ra để nhanh chóng sở hữu một tấm bằng thạc sĩ mà không quan tâm nhiều đến chất lượng đào tạo, kiến thức tích lũy được… Điều này, đi ngược lại với xu thế nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ, từng bước hướng tới chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam mà ngành giáo dục đang hướng tới, xã hội kỳ vọng. Vì vậy, cần minh bạch, khách quan trong kiểm tra, đánh giá các chương trình này theo chuẩn đầu ra đã được quy định cụ thể.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cũng đã chỉ ra rằng: Chúng ta chỉ có thể tăng được quy mô đào tạo khi chúng ta đảm bảo với xã hội, cam kết với xã hội về chất lượng. Việc siết chất lượng đào tạo thạc sĩ nói riêng và sau ĐH nói chung của các cơ sở giáo dục là cần thiết bởi với bậc học này, xã hội mong muốn không phải là số lượng mà là chất lượng của các thạc sĩ, tiến sĩ…