Đa dạng hóa hình thức phổ biến giáo dục pháp luật

Lê Bảo 10/11/2020 09:00

Năm 2020 là năm thứ 7 thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam theo tinh thần của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, để Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng thực chất, hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, đa dạng hình thức tổ chức.

Theo Bộ Tư pháp, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo trung ương, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, tổ chức các chương trình, đề án, kế hoạch tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, nội dung phổ biến pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng thực chất hơn nhu cầu thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, nhất là việc tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh mới liên quan đến công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; các chế độ, chính sách mới được sửa đổi, bổ sung, vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Hình thức tuyên truyền cũng tiếp tục được đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Điển hình là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa tăng cường phổ biến pháp luật trực tiếp, nội dung đơn giản, dễ hiểu.

Năm 2020, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và tổ chức thực hiện văn bản triển khai công tác PBDGPL năm 2020 có nội dung hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật.

Trong đó có gần 50 địa phương ban hành văn bản riêng hưởng ứng Ngày Pháp luật với các hoạt động bám sát công tác chuyên môn, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức các hội thi, cuộc thi, hội nghị tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật trong quy mô toàn địa bàn.

Có thể nói, việc chú trọng đa dạng hóa và đổi mới công tác PBGDPL trên các lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân; tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật đến đối tượng là học sinh, sinh viên, đối tượng đặc thù… nhằm góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.

“Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật ở một số địa phương đã phát huy tính tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Không những thế, các hoạt động ấy còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân khắp mọi miền đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, công tác PBGDPL cho người dân thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là đối với người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác PBGDPL để nhiều doanh nghiệp, cán bộ và người dân có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu pháp luật. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ thêm kinh phí để các luật sư có thể tư vấn miễn phí cho nhiều người dân hơn.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho rằng, trước yêu cầu đổi mới về chất và mục tiêu bảo đảm tính bền vững của công tác phổ biến pháp luật, việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân am hiểu pháp luật như luật sư, kiểm sát viên, kể cả đã về hưu tham gia công tác tuyên truyền tiếp tục được xác định là giải pháp đúng đắn, cần thiết, cần được tiếp tục thực hiện trọng tâm, trọng điểm và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Lê Bảo