Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi: Tiết kiệm nguồn nhân lực y tế
Việt Nam hiện là một quốc gia có dân số khá đông (khoảng 96 triệu dân), nên gánh nặng bệnh tật tương đối lớn, đặc biệt là các bệnh lý về tiêu hóa, gan mật. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế về kỹ thuật cũng như đội ngũ y tế. Do đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi để điều trị bệnh đang là xu hướng cần được tăng cường đầu tư.
Thống kê cho thấy, các bệnh lý tiêu hóa, gan mật hiện chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế, số lượng bác sĩ nội soi mới chỉ đáp ứng 5% - 10% dân số.
Mỗi ngày ở các trung tâm lớn, có hơn 300 ca nội soi có thể dẫn tới bỏ sót tổn thương và chất lượng nội soi chưa thật sự được bảo đảm, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ nội soi.
Polyp thường xuất hiện trong đại tràng, dạ dày... Việc đại tràng hay bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa xuất hiện polyp, nếu không được chữa trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ có tuổi nghề dưới 5 năm thì khả năng bỏ sót polyp khoảng 40%. Đối với các bác sĩ có tay nghề cao, có thâm niên lâu, khả năng bỏ sót từ 15-20%.
TS Đào Việt Hằng- Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, hiện nay tỉ lệ bỏ sót polyp đại tràng theo y văn thế giới dao động từ 20-47%. Việt Nam chưa có dữ liệu cụ thể, nhưng một nghiên cứu (theo dõi hơn 314 nghìn ca nội soi đại tràng) gần nhất cho thấy, trong 10 nam giới thì mỗi 1% ADR tăng (tỉ lệ phát hiện u tuyến trong đại tràng) thì sẽ giúp bệnh nhân giảm 3% tiến triển thành ung thư đại tràng. Do đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa là ứng dụng đột phá trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật đang được Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật triển khai.
GS.TS Đào Văn Long- nguyên Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai, Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết đặt ra cho ngành y học bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay.
Kết quả bước đầu cho thấy đã huấn luyện thành công thuật toán với độ chính xác và độ nhạy rất cao (lên tới hơn 95%). Bên cạnh đó, nhóm đã tiến hành thử nghiệm trên hình ảnh tĩnh và video nội soi, kết quả cho thấy giá trị dự đoán dương tính lên tới hơn 94.6%, độ nhạy (khả năng của thuật toán để xác định ảnh chứa polyp) là 96,39% và độ đặc hiệu (khả năng của thuật toán để xác định ảnh không chứa polyp) lên tới 99,84%.
TS Đào Việt Hằng chia sẻ, y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà là hướng đi cần thiết trong y học góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay. Hơn nữa, với bệnh lý của polyp đại tràng, phát hiện sớm sẽ giảm thiểu tỷ lệ ung thư đại tràng.
Được biết, việc nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi phát hiện polyp đại tràng tại Việt Nam là kết quả của sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật với các chuyên gia nội soi của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, Liên Chi hội Nội soi tiêu hóa, BV Đại học Y Hà Nội và các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước với hy vọng trong thời gian không xa sẽ kết nối dữ liệu lớn trong lĩnh vực nội soi giữa các cơ sở y tế.
PGS Ryoji Miyahara, Đại học Nagoya Nhật Bản cho biết, trên thế giới hiện có nhiều nghiên cứu về ứng dụng AI trong nội soi tiêu hoá và gan mật. Chẳng hạn trong phát hiện polyp đại tràng, AI có thể hỗ trợ phát hiện những polyp rất nhỏ mà bác sĩ có thể bỏ sót trong quá trình nội soi, nhờ đó tránh bỏ sót tổn thương.
TS Đào Việt Hằng cho biết, về lộ trình, cuối năm 2020, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hoá, gan mật sẽ ra mắt phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo với bước đầu tiên thử nghiệm trên ảnh tĩnh và video. Sau đó, năm 2021, Viện xây dựng thuật toán có thể chạy song song quá trình nội soi của người bệnh và dự kiến sẽ tiến hành tại ba cơ sở y tế với 100 bệnh nhân.
“Hy vọng, trong 1-2 năm nữa, sản phẩm này có tính khả thi, giá thành chấp nhận được và đặc biệt việc ứng dụng sản phẩm sẽ không ảnh hưởng đến công việc của bác sĩ mà còn giúp tiết kiệm nhân lực và thời gian cho bác sĩ”, TS Hằng nói.