Kinh hoàng sạt lở đất
Sạt lở đất luôn là nỗi kinh hoàng đối với người dân Quảng Nam. Như vụ sạt lở ở Trà Leng đã chôn vùi 15 ngôi nhà, 9 người tử nạn, vẫn còn 13 người mất tích. Thế nhưng người dân vẫn phải tiếp tục đối diện với hiểm nguy, sống trong sự bất an.
Kinh hoàng sạt lở đất
Vụ sạt lở ở Trà Leng không phải là duy nhất, người dân Quảng Nam chưa thể quên vụ sạt lở kinh hoàng cuối năm 2017 cũng tại huyện Nam Trà My. Năm đó ở thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Vân đã vùi lấp 5 ngôi nhà, 5 người tử nạn, 13 người bị thương.
Còn tại huyện Bắc Trà My, nguyên quả đồi sạt lở xuống khu vực thôn Đàn Nước và Mậu Cà đã khiến 8 người dân tử nạn.
Đó chỉ là những vụ điển hình, còn rất nhiều vụ khác.
Sáng ngày 9/11 chúng tôi trở lại vùng sạt lở Trà Leng, tiếp xúc với nhiều người dân khi mà bà con vẫn chưa lấy lại được sự bình tĩnh dù thảm nạn đã qua hơn 12 ngày. Trên khuôn mặt họ vẫn còn nỗi kinh sợ, vì thảm họa xảy ra quá bất ngờ.
Bà Trần Thị Liễu (37 tuổi), trú thôn 1, xã Trà Leng chia sẻ: “Đến giờ tôi vẫn không biết vì sao trái núi Pa Ranh lại ấp xuống làng tôi. Nhà cửa, gia đình bị chôn vùi, tôi dùng hai vai và lấy chân đạp thật mạnh vào tảng đá mới trồi lên được. Tôi nghe tiếng khóc của con gái, tiếng la hét của nhiều người. Ôm được đứa con tôi chạy thẳng lên núi cao, nhưng chồng tôi bị vùi lấp mất tích. Thật sự quá kinh hoàng”.
Còn chị Hồ Thị Hà, ở thôn 1, xã Trà Leng kể lại: “Khi nghe tin xảy ra sạt lở đất, tôi chạy về tới làng thì cảnh tượng trước mắt thật kinh sợ, trái núi san phẳng không còn một cái nhà. Mẹ tôi bị thương đang kêu cứu, ba tôi núi đè mất tích. Hai con gái tôi bùn đất đẩy ra xa bị thương đang hoảng loạn”…
Khó có thể nói hết được nỗi kinh hoàng của những người còn sống sót, bởi trong phút chốc làng mạc, nhà cửa yên bình, những con người rất khỏe mạnh đã bị chôn vùi trong đất đá. Gia sản cả đời và người thân không còn thì còn có nỗi đau đớn nào lớn hơn.
Quả thật sạt lở đất đã đem lại nỗi đau quá lớn, người mất cha mẹ, kẻ mất vợ, mất chồng, mất con. Mà đâu chỉ ở Trà Leng, xã Trà Vân sạt lở đất cũng vậy, sạt lở đất đã chôn nhiều ngôi nhà và 8 người tử nạn. Hay ở Phước Lộc, huyện Phước Sơn đất đá vùi lấp đến 13 người…
Vẫn còn đó nỗi lo
Cho dù sạt lở đất đã đem lại quá nhiều nỗi đau, thế nhưng người dân trong vùng thiên tai vẫn phải tiếp tục đối diện với sạt lở. Vì ngay sau vụ sạt lở đất nói trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đã đưa ra cảnh báo, chỉ tính 4 huyện miền núi là Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn đã có đến 58 điểm nguy cơ sạt lở cao.
Trong đó ở huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don,... Còn huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm tập trung tại thị trấn Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác… Có nghĩa những người dân ở các địa phương nói trên vẫn tiếp tục phải sống trong nỗi lo bị vùi lấp.
Ở miền núi họ mưu sinh phải bám vào sông núi, làm nhà dựa vào núi hướng ra sông, thế nhưng không biết khi nào dòng sông trở nên hung dữ khiến lũ quét làng, quét sạch gia sản hay thảm họa sạt lở ập xuống gia đình, bản làng. Vì thế rất dễ hiểu nỗi lo âu, run sợ của họ khi mùa mưa bão về.
Theo nhận định của Chi cục Phát triển nông thôn, do Quảng Nam có địa hình hẹp và độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi nhiều sông suối, nên vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ quét ở miền núi và lụt lớn ở đồng bằng, đe dọa nghiêm trọng đến hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ở ven sông và dưới các chân núi.
Ở 18 huyện, thành phố của Quảng Nam địa phương nào cũng có nguy cơ sạt lở hoặc có nhu cầu di dời dân đến nơi ở mới.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên, Trà Leng là khu vực có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành một khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc cao; hai vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt.
Còn đổi với người dân địa phương, khi chúng tôi đưa ra những nhận định nêu trên của các nhà khoa học, ông Đinh Văn Dũng, sinh sống ở Bắc Trà My cho rằng: “Nhận định nào cũng có cơ sở, nhưng bà con tôi thấy rằng, rừng bị tàn phá ngày càng cạn kiệt, khai thác khoáng sản những trái núi bị đục khoét tầng tầng, lớp lớp, hầm hố hàng ngang, hàng dọc, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mưa ngày càng lớn, càng dài ngày, cả trái núi no nước đàng mô mà không sạt xuống, trong khi những người dân chúng tôi làm nhà thì phải dựa vào núi, chẳng biết lúc nào thảm họa xảy ra. Mà bây chừ bỏ làng ra đi thì đi về đâu, khi ở vùng cao thì nơi nào cũng núi”.
Ý kiến của ông Dũng cũng là nhận định của nhiều người dân vùng cao.
Để người dân vùng sạt lở có được cuộc sống an bình trong mùa mưa bão luôn là nỗi lo của các nhà lãnh đạo ở Quảng Nam. Cho dù đã có nhiều chính sách, nhiều dự án di dân, nhiều khu dân cư mới mọc lên, nhưng nói như ông Dũng đi đâu, về đâu họ cũng phải dựa vào núi để làm nhà, để mưu sinh.
Vì thế, an toàn cho người dân vùng sạt lở luôn là bài toán khó, trong khi đó bão lũ vẫn ngày một nhiều hơn, sạt lở đất đã cướp đi nhiều sinh mạng của những con người vô tội và tương lai khó biết khi nào thảm họa lại ập đến với những ngôi làng ở vùng cao này.
Ngày 9/11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các hồ thủy điện lớn trên địa bàn vận hành hạ thấp mực nước hồ để chuẩn bị đón lũ mới. Đồng thời tỉnh cũng thông báo đến các cấp chính quyền địa phương, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò, ngầm tràn; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin điều tiết các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản…