Đề án chính quyền đô thị trước ‘giờ G’
Được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó Chính phủ, các bộ, ngành và UBND TPHCM có quá trình phối hợp chặt chẽ và thống nhất cao nên Đề án chính quyền đô thị (CQĐT) chuẩn bị được Quốc hội xem xét thông qua. Từ đó, đô thị lớn nhất cả nước có cơ hội cải cách tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương hiện tại, dựa trên nền tảng của cơ chế đặc thù (NQ54) trước đó.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Bộ Nội vụ thời gian qua đã trực tiếp tham gia quá trình xây dựng cũng như tổ chức thẩm định Đề án CQĐT của TP HCM. Bộ Nội vụ đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung đề án của Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM.
Ngoài ra, ở cấp trung ương thì các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng có quá trình phối hợp chặt chẽ và thống nhất cao với đề án. Đến thảo luận tại Hội trường trong tuần qua, các ý kiến của ĐBQH và Quốc hội cũng đã bày tỏ nhiều ý kiến ủng hộ đề án, đồng thuận về các cơ sở căn cứ pháp lý cũng như cơ chế, chính sách của đề án, cơ sở về kinh nghiệm thực tiễn.
Tham vấn về Đề án CQĐT của TP HCM, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM nhìn nhận, về mô hình đề án đã đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và phù hợp với Luật Chính quyền địa phương đã được sửa đổi.
TP HCM cũng có nhiều thuận lợi để có thể áp dụng ngay CQĐT mà không cần phải qua bước thí điểm. Thời gian qua, các mô hình thí điểm CQĐT tại Hà Nội (2019) và Đà Nẵng (từ 2020) đã được chính quyền địa phương tại TP HCM nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trong đó, từ tháng 11/2019, Quốc hội đã sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đã có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay, sẽ tạo điều kiện trực tiếp cho TP HCM trở thành đô thị đầu tiên của cả nước áp dụng nhanh các cơ sở pháp lý và thực tiễn của Đề án.
Trong khi đó, ông Phan Thành Phương, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa đô thị nhìn nhận “cú hích” chính của đề án CQĐT đối với quy mô kinh tế - xã hội của TP HCM hiện tại, chính là ở cơ chế “đúp-bồ” (gấp hai) khi được kết hợp cùng với cơ chế đặc thù của NQ54, cũng do Quốc hội ban hành trước đó.
Nhất là, TP HCM cũng là địa phương có kinh nghiệm thực tiễn cao trong quá trình thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Vừa qua, khi kết thúc thời gian thí điểm, TP HCM tiếp tục mạnh dạn đề nghị được tiếp tục triển khai mô hình nêu trên.
Với sự đồng thuận và quá trình quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị TP HCM, KTS Nguyễn Văn Biểu, Giám đốc Công ty B.Home, tin tưởng cao về việc Quốc hội cho thông qua Đề án vào tuần tới sau nhiều phiên thảo luận và ủng hộ từ các ĐBQH.
Chuyên gia này cũng kỳ vọng mạnh mẽ vào các cơ sở pháp lý lẫn cơ chế để các lĩnh vực về hạ tầng cơ sở, xây dựng, bất động sản của TP HCM sẽ được tạo cơ chế, môi trường phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới đây, sau hai đợt Covid-19 khiến thị trường trầm lắng. Kèm theo đó, quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông, môi trường và văn hóa ở đô thị sẽ đáp ứng tốt hơn cho các nhu cầu của cư dân đô thị.
Nhất là TP HCM đã lựa chọn thực hiện chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, đã gửi văn bản kiến nghị UBND TPHCM về sửa đổi Dự thảo thay thế Quyết định 60 về quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đã phát sinh nhiều bất cập thời gian qua.
Theo đó, HoREA cũng thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường về việc không quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp và các loại đất khác; bỏ quy định về thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp trong Quyết định thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.
HoREA cũng đề nghị bỏ quy định về những trường hợp không được tách thửa tại Điều 4, thống nhất về diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa và thửa đất còn lại, như đã quy định tại Quyết định 60 nêu trên.