Phát triển trường nghề chất lượng cao

Lam Nhi 10/11/2020 09:00

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam đến năm 2030 là có 100 trường nghề chất lượng cao và quy mô tuyển sinh tăng gấp 3 lần hiện nay. Tuy nhiên, với những nút thắt đang tồn tại nếu không được tháo gỡ sớm thì khó đạt được kỳ vọng này. 

Cơ hội để các trường nghề phấn đấu trở thành trường chất lượng cao rất rộng mở.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, mục tiêu đến 2030, đào tạo nghề của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của ASEAN, trong đó có 100 trường chất lượng cao, 15 trường đạt trình độ các nước phát triển G20, 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4.

Để đạt được mục tiêu 100 trường chất lượng cao vào năm 2030, đến nay đã có những đề án cụ thể góp phần dần hiện thực hóa con số này.

Trong đó, đề án “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” đối với 45 trường nghề công lập, theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/5/2014 sau 5 năm thực hiện được Tổng cục GDNN đánh giá là mang lại diện mạo mới cho hệ thống GDNN.

Mới đây ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án “Phát triển trường CĐ chất lượng cao đến năm 2025”. Đề án bổ sung thêm mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 70 trường CĐ chất lượng cao.

Bộ LĐTBXH cũng đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định chi tiết tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao. Theo đó, các tiêu chí trường CĐ chất lượng cao gồm: Tiêu chí 1 - Quy mô đào tạo (gồm 2 tiêu chuẩn); tiêu chí 2 - Trình độ nhà giáo (gồm 5 tiêu chuẩn); tiêu chí 3 - Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo (gồm 5 tiêu chuẩn); tiêu chí 4 - Quản trị nhà trường (gồm 7 tiêu chuẩn); tiêu chí 5 - Trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo (gồm 3 tiêu chuẩn). Dự thảo nhấn mạnh tiêu chí về quản trị nhà trường và tiêu chí về trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo. Trong đó, ít nhất 90% người học được các doanh nghiệp đánh giá năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc.

Một điểm lưu ý đó là Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trường CĐ chất lượng cao có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, nghĩa là không có chuyện công nhận một lần và mãi mãi mà các trường phải liên tục phấn đấu để giữ vững những kết quả đạt được và phát huy tốt hơn trong những lần đánh giá sau.

Ngược lại, Nhà nước cũng khuyến khích xã hội hóa để những trường CĐ khác được công nhận là trường CĐ chất lượng cao. Không giới hạn các trường tự thay đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới, Bộ LĐTBXH sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện và công nhận trường CĐ chất lượng cao theo quy định.

Như vậy, có thể thấy, không có trường CĐ chất lượng cao suốt đời cũng như cơ hội để tất cả các trường phấn đấu trở thành trường chất lượng cao rất rộng mở với tất cả các cơ sở GDNN trên toàn quốc.

Giải bài toán tăng quy mô đào tạo

Đối với mục tiêu tăng quy mô tuyển sinh gấp 3 lần hiện nay vào năm 2030, nhiều chuyên gia chỉ ra những thách thức không nhỏ. TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo nhìn nhận, hiện nay GDNN không chủ động được nguồn tuyển do đầu vào học sinh thuộc giáo dục phổ thông, mà mạng lưới trường phổ thông thì do ngành giáo dục chịu trách nhiệm.

“Ngành giáo dục mở toang giáo dục phổ thông thì còn đâu chuyện học nghề sau THCS. Tương tự, các trường ĐH thực hiện tự chủ trong bối cảnh nhu cầu người học vẫn cao là thách thức cho tuyển sinh đầu vào GDNN. Trong 3 dòng chảy: Giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục ĐH, bất cứ dòng chảy nào được mở rộng, khơi thông thì sẽ ảnh hưởng đến hai dòng chảy kia”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Trên thực tế, hai trở ngại lớn trong công tác tuyển sinh GDNN năm 2020 được các chuyên gia đào tạo nghề chỉ ra, đó là: Tâm lý e ngại học nghề và cạnh tranh cơ hội tuyển sinh với các trường đại học.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ GDĐT quyết định năm nay chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm độ khó cho các thí sinh; đồng thời, tăng số lượng trường ĐH xét tuyển học bạ đồng nghĩa với thí sinh trúng tuyển vào ĐH dễ dàng hơn bao giờ hết.

Thời gian xét tuyển ĐH dự kiến kéo dài hết tháng 2/2021 cũng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường nghề, nhất là khi không ít thí sinh có tâm lý trượt ĐH mới nghĩ đến trường nghề. Trong khi số thí sinh chọn trường nghề ngay từ đầu chiếm tỷ lệ không nhiều.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT hiện nay đã được đẩy mạnh. Bộ GDĐT cũng đang Dự Thảo thông tư hướng nghiệp cho học sinh từ cấp tiểu học.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn là tâm lý một số bậc làm cha làm mẹ không muốn con em mình đi học nghề mà chọn thi vào lớp 10 hoặc thi ĐH. Ngay cả nhiều học sinh dù hiểu được năng lực học tập của mình đến đâu nhưng lại không biết nếu học nghề sẽ có lợi thế gì nên vẫn băn khoăn khi chọn trường nghề.

Đó là chưa kể, những khó khăn khi dạy văn hóa ở một nơi, học nghề ở một nơi của một số trường nghề khiến học viên cũng thấy nản và lo lắng nếu sau này các em muốn học cao hơn hay chuyển đổi nghề nghiệp thì sẽ không có cơ hội do không có bằng tốt nghiệp THPT...

Sáng 9/11, trả lời chất vấn ĐBQH về quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN như thế nào để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: Sẽ tập trung sắp xếp lại các Trung tâm GDNN theo hướng ba trong một, hai trong một. Đó là là GDNN, GDTX, GD tổng hợp. Các trung tâm này ngoài giáo dục đào tạo về bồi dưỡng ra còn là cánh tay nối dài của các cơ sở đào tạo bậc cao hơn.

Cùng với đó là việc kiên quyết giải thể cơ sở GDNN kém hiệu quả. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, riêng năm 2020, hệ thống GDNN đã giảm từ 1.996 cơ sở xuống còn 1.909 và giảm 77 cơ sở công lập, hoàn thành mục tiêu trước năm 2021 theo quy định.

Lam Nhi