Loại bỏ ‘giấy phép con’ trong công tác cán bộ
Các phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV những ngày qua nhận được sự quan tâm của xã hội. Dư luận đánh giá cao khi mà những vấn đề nóng, nổi cộm đã được nêu lên tại nghị trường. Cả phía người chất vấn cũng như người trả lời chất vấn đều đã khá trực diện, đi thẳng vào vấn đề, tuy rằng mức độ hài lòng của cử tri cũng có khác nhau ở những trường hợp cụ thể.
Những việc như thiên tai, thủy điện nhỏ, rừng nguyên sinh, sách giáo khoa, truyền thông “đen”… đã được ĐBQH chất vấn các tư lệnh ngành, cho thấy hoạt động nghị trường ngày một dân chủ hơn, mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn và trí tuệ hơn.
Trong nhiều vấn đề được bàn thảo, ở đây chúng tôi xin được bàn về quy định chứng chỉ phải có trong công tác cán bộ nói chung (ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, xin được gọi chung là công tác cán bộ). Việc này từ lâu đã dồn nén, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, được cho là một hình thức “giấy phép con” trong công tác cán bộ, mang nhiều tính hình thức và từ đó trong nhiều trường hợp đã không có được đội ngũ cán bộ thực sự có năng lực (cả tâm lẫn tầm).
Ngày 9/11, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Đến bao giờ thì loại bỏ tình trạng cử tri phải thi nhau đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chứng chỉ viên chức?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các nghị định của Chính phủ tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạn viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ. Ông Tân cũng giải thích về bằng (chứng chỉ) tin học, ngoại ngữ. Bộ trưởng cho biết, “trường đại học đào tạo chuẩn rồi thì không cần nữa”. Tương ứng, khi thi nâng ngạch mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ thì không phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; mà quy định theo từng vị trí việc làm.
“Để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về ngạch công chức, hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học thể hiện trong các kỳ thi trên máy vi tính” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay và thêm rằng trước đây khi đề bạt, bổ nhiệm, cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì nay tập trung chủ yếu vào trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước. “Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ, còn văn bản chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo tiếp theo” - ông Tân nói.
Nếu chỉ tính một cách cơ học, từ 7 giảm xuống còn 3, có nghĩa là giảm hơn một nửa “giấy phép con” trong công tác cán bộ. Đó là một thay đổi mạnh mẽ, theo hướng thực học, thực việc, thực làm chứ không phải chỉ mang “chủ nghĩa hồ sơ” ra để tuyển dụng, bổ nhiệm.
Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ, dư luận đã phấn khởi mà rằng sẽ hết thời cán bộ đua nhau đi học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Học nhiều, bằng cấp nhiều là cần thiết với mỗi cá nhân, và cũng là sự tự hào chính đáng nhưng đó phải là những người thực học chứ không phải là những người học lấy nhiều bằng, nhiều chứng chỉ để trang điểm cho bản thân, trưng bằng cấp ra nhằm giấu dốt và cũng “tranh thủ” lúc người khác cắm mặt vào làm việc còn mình thì “thu xếp” đi học để trang bị đủ loại giấy tờ theo quy định, phục sẵn chờ thời cơ.
Thực tế không ít người thực việc đã bị loại khi tuyển dụng, bổ nhiệm chỉ vì thiếu “giấy phép con”. Trong khi đó muốn có những loại “giấy phép con” cho đủ lệ bộ nhiều người không học, mà đi mua.
Giảm bớt quy định chứng chỉ không chỉ làm lành mạnh môi trường học vấn, loại bỏ dần việc xin - cho; mà quan trọng hơn rất nhiều chính là nhằm đến chỗ thực người, thực việc, để từ đó có được đội ngũ tốt. Với những người tự trọng, ở vị trí công việc của mình cái gì thuộc về chuyên môn chưa thông thì họ sẽ tự đi học, tự học để hoàn thiện bản thân. Vì thế cũng không vội lo rằng bỏ bớt quy định chứng chỉ (cụ thể là chứng chỉ tin học, ngoại ngữ) thì đội ngũ sẽ lười biếng.
Ở ta, việc bỏ bớt “giấy phép con” trong tuyển dụng, bổ nhiệm được cho là mới, là tích cực, tiến bộ. Nhưng cũng thật đáng tiếc là việc ấy quá muộn, trong khi thế giới từ lâu lắm rồi người ta đã coi việc ấy là chuyện tất nhiên. Mà đã là chuyện tất nhiên của thiên hạ thì mình cũng không nên có “luật chơi riêng”, và cần phải triển khai sớm, không thể nại ra lí do này lí do khác để trì hoãn.