Đề cao giám sát
Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập vấn đề tự chủ đại học (ĐH) và giải pháp để tự chủ ĐH thực sự. Theo đó, hiện chúng ta đã thực hiện tự chủ ĐH, nhưng mới được một số bước, vừa qua đã có kết quả rất tốt nhưng còn phải thực hiện tiếp tục.
Về câu hỏi của ĐBQH, rằng có nên bỏ cơ quan chủ quản trường ĐH không, Phó Thủ tướng cho biết, thực ra trong luật pháp của nước ta không có khái niệm cơ quan chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Hiện nay cơ quan quản lý chủ yếu sẽ quản lý về công tác cán bộ, và theo các quy định của Đảng.
Vậy cơ chế tự chủ ĐH hiện nay đang gặp những khó khăn gì? Tháo gỡ thế nào để không mãi bùng nhùng như thời gian qua?
Theo Bộ GDĐT, một số văn bản khung về cơ chế tự chủ đang sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với các quy định mới của pháp luật, nên cũng dẫn đến một số khó khăn nhất định trong việc thực hiện tự chủ ĐH.
Bộ GDĐT nhận định, giáo dục ĐH đã có bước đột phá trong thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Sau thành công của 23 trường ĐH được tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, Bộ GDĐT đã rà soát, xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH gắn chặt với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH, Bộ GDĐT thừa nhận, hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục ĐH chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tự chủ ĐH, chưa gắn tự chủ ĐH với quá trình đổi mới quản trị ĐH…
Phân tích từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho thấy tự chủ ĐH có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới, và một điểm có tính nguyên tắc cho Việt Nam. Đối chiếu với những nguyên tắc được đưa ra, thì việc thực hiện tự chủ ĐH hiện nay vẫn còn vướng mắc rất nhiều. Vì vậy trước mắt có hai việc rất quan trọng để thực hiện tự chủ ĐH đúng hướng và đúng quy luật, đó là: Tất cả các trường ĐH phải kiện toàn, thành lập mới Hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức; Tất cả các trường ĐH đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật, công khai cho toàn dân biết và giám sát.
Thời gian qua, những ồn ào sai phạm trong đào tạo tại một số trường ĐH như Đông Đô, hay gần đây nhất là những lùm xùm tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã chỉ ra cho thấy những bất cập trong quá trình tự chủ. Liên hệ với vụ việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tự chủ ĐH không có nghĩa là không có quản lý.
Như thế, nếu tự chủ ĐH là xu hướng tất yếu thì việc giám sát lại càng phải được đề cao. Theo các chuyên gia giáo dục, chủ trương tự chủ tiến tới bỏ bộ chủ quản là một chủ trương đúng đắn. Nhưng bỏ bộ chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà giao quyền bộ chủ quản đó cho chủ thể khác là Hội đồng trường. Vì vẫn giữ cơ chế một người làm, một người giám sát kiểm tra. Vậy thì vai trò của Bộ GDĐT trong việc tự chủ ở đâu? Rõ ràng Bộ phải ban hành được văn bản quản lý. Hay nói cách khác ban hành hệ thống hành lang pháp lý. Bộ GDĐT trở thành cơ quan giám sát kiểm tra việc thực hiện hành lang pháp lý đó. Trường nào vi phạm cần kiên quyết xử lý.