Xử lý hình sự nếu chủ đầu tư om quỹ bảo trì, chây ì làm sổ đỏ
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo quy định về xử phạt hành chính. Nếu như chủ đầu tư vẫn tiếp tục cố tình chây ì, thì chuyển sang các cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự.
Xem xét xử lý hình sự nếu CĐT cố ý không cấp sổ đỏ
Theo Luật Nhà ở, trong thời hạn 50 ngày kể từ khi bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư (CĐT) phải thực hiện làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người mua. Chế tài xử phạt cho hành vi chậm trễ có thể lên tới 1 tỷ đồng.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tuy rằng số lượng không nhiều nhưng vẫn có hiện tượng một số CĐT bất động sản chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người mua nhà.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số vụ tranh chấp về vấn đề này chỉ chiếm 2% trong tổng số tranh chấp về nhà chung cư. Tuy nhiên, số lượng người dân, hộ dân chịu ảnh hưởng rất lớn.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước cho rằng, có nhiều lý do mà việc cấp sổ hồng cho người dân bị chậm trễ. “Tùy theo từng lúc bán chung cư được nhiều hay ít, có thể CĐT muốn tích lại thành từng đợt với số lượng lớn để làm sổ hồng. Tuy nhiên, lý do phổ biến vẫn là do thiếu thủ tục pháp lý, điển hình là không đủ tiền nộp thuế cho Nhà nước, dẫn đến việc chây ì trong cấp sổ hồng cho người dân”.
Hiện tại vẫn tồn tại nhiều trường hợp CĐT chưa cấp sổ đỏ cho dân, tập thể người dân thường bày tỏ bức xúc bằng cách treo băng rôn khắp các căn hộ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Văn Biên cũng cho biết thêm: “Người dân hoàn toàn có thể khởi kiện CĐT ra tòa vì CĐT đang vi phạm pháp luật”.
Nhiều người dân khu Tân Tây Đô phản ánh: Đa số người dân đã được làm sổ hồng, nhưng vẫn còn một số người dân mua nhà từ cuối năm 2018 đến nay, khi đi làm sổ hồng lại không được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp với lý do CĐT chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Trong trường hợp này, ngoài việc CĐT vi phạm thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng vi phạm pháp luật.
“Nếu CĐT chưa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải có nghĩa vụ và trách nhiệm làm việc với CĐT. Sở cần sử dụng các biện pháp hành chính, tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, còn lại không được quyền từ chối người dân”, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước nêu rõ.
Về giải pháp xử lý với những tranh chấp chung cư trong thời gian qua, đối với những dự án mà CĐT cố tình chây ì việc cấp quyền sở hữu đất và sở hữu nhà ở cho người mua, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo quy định về xử phạt hành chính. Nếu như chủ đầu tư vẫn tiếp tục cố tình chây ì, thì chuyển sang các cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự.
Đối với các dự án còn thiếu thủ tục pháp lý, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương có rà soát và đánh giá cụ thể, báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng để phối hợp giải quyết.
Chuyển cơ quan điều tra nếu CĐT cố tình vi phạm phí bảo trì chung cư
Theo Bộ Xây dựng, tính tới hết năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 chung cư, trong đó hơn 90% được quản lý vận hành an toàn ổn định và gần 10% có tranh chấp.
Các tranh chấp này gồm: chậm tổ chức hội nghị chung cư, chậm thành lập ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư; xác định sở hữu chung, sở hữu riêng; thu chi tài chính của ban quản trị, giá dịch vụ; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; chất lượng công trình...
Ông Vũ Văn Biên cho rằng nguyên nhân của những tranh chấp này là quy định pháp lý về quản lý và sử dụng nhà chung cư chưa đầy đủ, rõ ràng, ví dụ về cách tính diện tích căn hộ, lôgia, hộp kỹ thuật...
Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chưa quan tâm thích đáng tới nghĩa vụ sau bán hàng, không công khai đầy đủ thông tin theo quy định. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chưa tuân thủ đầy đủ quy định và thường có một số điều khoản chưa rõ ràng, thiên về bảo vệ quyền lợi của CĐT.
Ông Vũ Văn Biên cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục sửa đổi Nghị định 99 về hướng dẫn Luật Nhà ở để bổ sung các quy định về nhà chung cư, nhất là về kinh phí bảo trì, để rõ ràng hơn về mức thu, phương thức thu và sử dụng quỹ bảo trì nhà ở chung cư. Riêng về tranh chấp liên quan quỹ bảo trì, Bộ Xây dựng đã tham mưu và Chính phủ đã ra Nghị định 139 và Nghị định 20, quy định mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm.