Vì cuộc sống mỗi gia đình người Việt
Trong bài phát biểu của mình, trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng đã dành nhiều thời lượng để nói về cuộc sống người dân, của mỗi gia đình, của trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước.
Ngày 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại Quốc hội (kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV). Thủ tướng đã khái quát mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước phải đương đầu với thiên tai, dịch bệnh.
Trong tình thế khó khăn đó, đất nước vẫn tiến lên phía trước. “Mọi thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng và an ninh, là thành quả và quyết tâm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực của gần 100 triệu người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi chính sách, quyết nghị của chúng ta. Ý Đảng - Lòng Dân chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên”- Thủ tướng nói.
Cũng trong bài phát biểu của mình, trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng đã dành nhiều thời lượng để nói về cuộc sống người dân, của mỗi gia đình, của trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải có cuộc sống tốt hơn cho mỗi gia đình Việt Nam. Ở đây, nổi lên một số vấn đề rất cần được nhận thức một cách thấu đáo. Trước hết là quyền được đến trường của trẻ em. Đảng ta đã xác định giáo dục là quốc sách, từ đó hệ thống trường lớp đã phủ rộng tới từng thôn bản, ai cũng được học hành. Nhưng đã đến lúc phải cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục, từ cơ sở vật chất cho đến phương tiện giảng dạy, từ sách giáo khoa cho đến phương pháp sư phạm, từ cơ chế tự chủ cho đến cơ chế tiền lương. Là quốc sách nhưng nếu tư duy của chính ngành giáo dục không đi trước thì cũng sẽ không còn là quốc sách.
Thời gian qua, dư luận xã hội rất nóng với tình trạng quá tải, dạy thêm, lạm thu, bệnh thành tích, ma túy, bạo lực học đường… những điều đó cấp thiết phải thay đổi. Nhưng cũng rất đáng quan tâm là sự chênh lệch về điều kiện học tập dẫn tới chất lượng đào tạo giữa các vùng miền. “Sản phẩm giáo dục” trước hết phải là sự đồng đều về kiến thức của tất cả học sinh, bất kể em đó là con nhà nghèo, ở nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hay là may mắn sinh ra trong một nhà giàu có, ở thành thị. Mà điều đó thì vẫn chưa có.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc đóng góp của tư nhân vào giáo dục, để xã hội hóa một cách mạnh mẽ, con em chúng ta được học trong một môi trường tốt, hiệu quả. Ở điểm này cho thấy hệ thống trường công phải vượt lên chính mình, không thể bằng lòng với những gì đã có mà không chịu đổi mới. “Chúng ta cần trao cơ hội cho tư nhân tham gia nhiều hơn nữa vào hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục chất lượng cao hướng đến chuẩn mực quốc tế”- Thủ tướng nói.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng để mỗi gia đình người Việt có cuộc sống tốt hơn chính là mỗi người phải được thụ hưởng sự ưu việt của hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí hợp lý. Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận thì ngành y tế vẫn còn nhiều việc phải làm vì đó chính là giống nòi dân tộc.
Thời gian qua, sự thương mại hóa đã làm tổn thương hình ảnh của người thầy thuốc. Tình trạng thương mại hóa quá mức theo kiểu “tiền nào của nấy” đã đẩy người nghèo ra bên lề, nhiều người ốm đau bệnh tật không dám đi bệnh viện vì không đương nổi viện phí nặng nề, trong đó tiền thuốc các loại là rất đắt đỏ. Các dịch vụ khám, điều trị cũng quá thị trường, chưa nói đến việc móc ngoặc giữa bệnh viện với tư nhân đẩy giá thiết bị y tế lên cao chót vót khiến người bệnh phải trả tiền gấp nhiều lần. Nghèo khó đến từ bệnh tật nhưng cũng thật đau lòng khi nó lại đến từ bệnh viện nơi mà người bệnh buộc phải đặt mạng sống của mình vào tay thầy thuốc.
Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi gia đình, đó cũng chính là bản chất sâu xa của chế độ ta, một chính thể do dân và vì dân. Cũng thật day dứt là trong quá trình tăng tốc phát triển đã làm cho khoảng cách giàu - nghèo bị kéo giãn. Không phải ai cũng biết rằng sống trong một gia đình nghèo thì nhiều cay cực đến thế nào khi mà hầu như tất cả các cơ hội đều bị vuột mất. Không ai muốn nghèo nhưng đã nghèo thì đành đứng bên lề dòng chảy phát triển nhìn cơ hội trôi qua trước mắt.
Không thể vui được khi bên cạnh ta còn nhiều gia đình nghèo, nhiều đứa trẻ mãi sống trong vòng luẩn quẩn chỉ vì cha mẹ nghèo. Chính vì thế chủ trương vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ cùng những nỗ lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, của từng địa phương, từng nhà hảo tâm là những điều cao cả, nhân đạo và nhân văn.
Vấn đề cuộc sống gia đình của người Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong thời điểm này thật ý nghĩa khi mà dịch Covid-19 đã đẩy nhiều gia đình vào chỗ nghèo khó. Khi mà đồng bào miền Trung, Tây Nguyên đang phải chịu bão lũ dồn dập, ruộng vườn, tài sản mất trắng, nhà sập, người chết… Chính vì thế, hãy sống chậm lại để nhìn sâu vào cuộc sống đồng bào mình, trái tim sẽ mách bảo chúng ta rất nhiều điều tưởng chừng đã lãng quên.