Báo động nạn mất trộm cổ vật
Mất cổ vật không còn là chuyện mới nhưng chuyện này vẫn tái diễn và các đối tượng trộm cắp ngày càng táo tợn hơn. Vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn chặn tình trạng này và công tác quản lý di tích như thế nào?
Vào tháng 7/2020, chùa Bỏi (thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị mất một quả chuông đồng nặng khoảng 300 kg, một bát hương đồng và 8 pho tượng gỗ. Vào tháng 4/2020 tại chùa Nam Dư Hạ (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mất 4 pho tượng và một bát hương.
Trước đó, theo Sở VHTT Hà Nội thống kê, trong thời gian 4 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra hàng chục vụ mất cắp cổ vật tại các quận, huyện như Tây Hồ, Chương Mỹ, Hoài Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa. Điển hình là 4 vụ trộm cắp di vật, cổ vật tại 4 di tích ở huyện Thanh Oai xảy ra chỉ trong thời gian gần một tháng.
Cổ vật bị đánh cắp đều không chỉ có giá trị cao về mặt văn hóa, lịch sử mà còn là những hiện vật có giá trị kinh tế, là “tâm linh” của mỗi di tích.
Công tác bảo vệ cổ vật trong nhiều năm qua vẫn đang bị bỏ ngỏ. Ngoại trừ bảo tàng, viện nghiên cứu… các cổ vật được bảo vệ tốt thì tại các di tích công việc này thường chỉ “khoán” hoặc mặc định các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì trông coi, thậm chí có nơi còn không có người trông coi.
Chưa kể, chế độ chi trả cho người trông coi đền, chùa chỉ vài trăm nghìn một tháng nên độ quan tâm “sâu sắc” của họ cũng có giới hạn.
Đình, chùa, miếu mạo là không gian mở, không có thành cao hào sâu nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. Chính vì vậy, đây được coi như “mỏ vàng” cho kẻ gian trộm cắp cổ vật.
Đơn cử như trường hợp chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), đình Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) dù nằm trong khu dân cư đông đúc người nhưng đã bị “đạo chích” 3 lần ghé thăm.
Nguyên nhân, dù ban ngày khá tấp nập nhưng vào buổi tối khu vực này hoàn toàn thưa thớt, ít người qua lại. Chưa kể, dù tối muộn khách thập phương vẫn dễ dàng vào di tích, tiếp cận các hiện vật mà gần như không phải chịu sự quản lý của lực lượng bảo vệ.
Không những vậy, sau các vụ mất trộm nhiều di tích đã cho lắp đặt camera. Thế nhưng có một thực tế khi hoàn thành lắp đặt lại thiếu yếu tố “con người”, các biện pháp chủ động phòng ngừa, tăng cường cảnh giác trông coi bảo vệ, thì dù có lắp nhiều camera vẫn không thể bảo vệ được di tích bởi kẻ gian sẽ có phương án đối phó.
Chính vì vậy, nhiều di tích dù đã lắp camera bảo vệ nhưng vẫn bị trộm nhiều lần ngang nghiên “hỏi thăm” như trường hợp của chùa Nam Dư Hạ.
Thực tế cho thấy, với việc phân cấp câu chuyện quản lý cổ vật ở các di tích đang tạo ra những bất cập. Mặc dù việc phân cấp này nhằm mục đích để di tích và cổ vật là “của dân, do dân và vì dân”. Dù mất trộm nhiều lần, nhưng nhiều di tích đang loay hoay tìm phương án bảo vệ.
Thậm chí để an toàn nhiều di tích đã đưa các cổ vật đặc biệt giá trị vào hậu điện hoặc có các thùng, két để bảo vệ… Như trường hợp đình Bát Tràng (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), 44 đạo sắc phong được gìn giữ qua nhiều thế kỷ nay được cất giữ trong két sắt.
Hay câu chuyện nhiều năm nay, các cụ cao tuổi ở thôn Nhật Tảo (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) đã tự mình cất giấu chuông đồng quý hiếm hơn 1.000 năm tuổi vừa được công nhận là “bảo vật quốc gia”.
Cứ vài tháng, chiếc chuông lại được đưa đến một gia đình nào đó để kẻ gian khó nắm bắt lịch trình di chuyển. Ngoài ra muốn mở được khóa, đưa chuông ra ngoài phải nhận được sự đồng ý của cả 3 cụ ở thôn - những người được giao trọng trách giữ 3 chìa khóa. Chỉ vào những dịp lễ lớn, BQL di tích mới đưa chuông về đình để hành lễ.
Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Trần Đình Thành cho biết: “Trong nhiều năm gần đây, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý. Qua đó, trách nhiệm quản lý di tích, di sản được giao cụ thể cho từng cá nhân.
Từ việc kiện toàn bộ máy, giao trách nhiệm cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành ra những quy định, nguyên tắc, nội quy để phân cấp quản lý. Tuy nhiên, cần phải có một giải pháp tổng thể để tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm”.
Cũng theo ông Thành, BQL di tích và Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương cần tăng cường kiểm kê các di sản văn hóa của mình. Ví dụ, trong di sản có các hiện vật, di vật như bát đĩa, đồ thờ… thì cần phải tư liệu hóa tất cả.
Để khi có vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng có bộ hồ sơ gốc để phục vụ cho việc quản lý và xử lý các vụ việc. Đồng thời, mối quan hệ giữa BQL di tích và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể cần được nâng cao hơn.
Chính quyền địa phương cần sớm ban hành các quy chế quản lý ở địa phương mình một cách cụ thể, rõ ràng hơn để các Ban Quản lý di tích, chính quyền có công cụ để thực hiện.
Trước những vụ việc xảy ra, các địa phương cần trao đổi kinh nghiệm tại các lớp tập huấn để chia sẻ, nâng cao hiểu biết, nhận thức của các cơ quan quản lý...