Trái bưởi da xanh ở Bình Phước
Những năm trở lại đây, người dân huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đã từng bước chuyển đổi diện tích cây trồng sang bưởi da xanh, bước đầu mang lại luồng gió mới giúp cải thiện đời sống kinh tế.
Gia đình anh Phạm Hữu Nam trú tại ấp 3, xã Thanh Hòa đã trồng cây điều, hồ tiêu trên chục năm. Năm 2015, khi giá các nông sản này ở mức cao, các nhà vườn ồ ạt chặt các loại cây trong vườn để mở rộng diện tích trồng. Ngược lại, ông Nam bắt đầu trồng bưởi da xanh xen trong 1,2 ha hồ tiêu. Đến năm 2017, giá thu mua hạt tiêu bắt đầu giảm, anh Nam đã chặt bỏ cây tiêu và mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh. “Diện tích cây tiêu bị bệnh cũng như ảnh hưởng giá thấp nên tôi đã mở rộng diện tích trồng cây bưởi. Cây bưởi phát triển tốt, cho năng suất cao”, anh Nam chia sẻ.
Hiện, vườn bưởi của anh Nam đã bước sang năm thu hoạch thứ 5, với năng suất đạt gần 20 tấn/ha. Giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, hiện được thương lái đến tận vườn thu mua, bao tiêu sản phẩm nên sau khi trừ chi phí, anh Nam thu lãi khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ chuyển đổi cây trồng theo hộ gia đình, một số hộ nông dân ở huyện Bù Đốp đã chủ động liên kết sản xuất thành các hợp tác xã, cánh đồng lớn chuyên canh bưởi sạch. Thành lập cuối năm 2016, Hợp tác xã Bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp ở xã Tân Tiến hiện có 11 thành viên, cùng tham gia canh tác trồng cây bưởi bưởi da xanh trên diện tích đất 52 ha, với năng suất khoảng từ 800 - 1.000 tấn/năm.
Theo anh Lê Ngọc Chiến ở xã Thanh Hòa: “Bước đầu trồng loại cây mới ở địa phương nên tôi rất nhiều bỡ ngỡ. Sau khi tham gia hợp tác xã, được tập huấn và chuyển giao công nghệ, tôi đã biết phải chăm sóc vườn phải sạch sẽ, không được nuôi gia súc, gia cầm trong vườn”.
Ông Ngô Phước Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp cho biết, theo tư vấn của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh, huyện, hợp tác xã từng bước đưa sản phẩm bưởi gia xanh vào quy trình đánh giá chứng nhận mỗi xã một sản phẩm OCOP. Theo hướng GlobalGAP, bưởi da xanh được sản xuất hữu cơ sạch, từ đó đầu ra nông sản được ổn định.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Bắc, quyền Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho hay, thời gian gần đây, nhà nông ở huyện Bù Đốp đã thấy được hiệu quả của cây bưởi. Bà con đã cùng Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng cũng như lắp đặt các thiết bị phun, tưới tự động đến cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, canh tác hữu cơ bền vững, chú trọng sản xuất hiệu quả, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Để nâng cao giá trị hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp nói chung và bưởi da xanh nói riêng, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch và hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, nhằm sản xuất các sản phẩm đồng nhất, có sản lượng lớn. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết.
Khoảng 4 năm trở lại đây, diện tích đất chuyển đổi trồng cây bưởi da xanh trên địa bàn huyện vùng biên Bù Đốp khoảng 300 ha, năng suất đạt từ 15 - 30 tấn/ha.