Người trẻ bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc
Những năm gần đây, nhiều nét đẹp về văn hóa dân tộc truyền thống của đồng bào Ê Đê, M’nông ở các buôn vùng sâu huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đang có nguy cơ bị quên lãng.
Song vẫn còn người trẻ tuổi cần mẫn lưu lại một số nghi lễ, phong tục, tập quán, cách làm những món ăn truyền thống hay truyền dạy các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, truyền cảm hứng cho lớp trẻ một cách tự nguyện, góp một phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.
Anh Y Puên Niê (dân tộc Ê Đê) ở buôn Bhung, xã Cư Pui được biết đến là người có giọng hát hay. Anh tham gia nhiều cuộc thi do tỉnh, huyện, xã tổ chức và đạt giải cao. Không những vậy, anh còn chế tác và sử dụng được nhiều loại nhạc cụ như: Đàn Brô, Goong, Sáo vỗ, Đinh Tắk Tar, Đing Năm, Đinh Buốt...
Là người lính xuất ngũ năm 2009, anh Y Puên đam mê văn hóa truyền thống và mong muốn lưu giữ và phát huy những nét đẹp của dân tộc mình nên anh thi vào trường Trung cấp Đam San (khoa Quản lý Văn hóa). Sau khi ra trường, anh về làm cán bộ Văn hóa xã Cư Pui. Anh tìm hiểu, học hỏi và mày mò chế tác các loại nhạc cụ truyền thống để sử dụng và trưng bày tại gia đình. Anh đã dạy 2 người em cùng chế tác nhạc cụ và dạy một số người trong buôn sử dụng các loại nhạc cụ.
Hiện anh Y Puên đang tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm những nghệ nhân biết chế tác một cách bài bản sau đó sẽ tổ chức mở lớp truyền dạy miễn phí cho những em nhỏ trong các buôn của xã. Anh Y Puên chia sẻ: “Hiện nay trong các buôn người Ê Đê, M’nông ở các xã vùng sâu vẫn còn một số nghệ nhân sử dụng được các loại nhạc cụ nhưng rất ít người biết chế tác. Nếu không có các giải pháp bảo tồn và truyền dạy thì sẽ có nguy cơ bị mai một”.
Được nhiều người biết đến là một cộng tác viên y tế tâm huyết, một nhạc công giỏi, người có giọng hát hay, anh Y Jút Ê Ban (dân tộc Ê Đê) ở buôn Khanh xã Cư Pui đã tham dự giọng hát hay và đạt được nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp huyện.
Ngoài ra, anh Y Jút còn thường xuyên truyền dạy cho lớp trẻ trong buôn những bài chiêng Kram, chiêng đồng; những bài múa, làn điệu dân ca để tham gia và đạt giải cao trong các lần liên hoan văn hóa cồng chiêng của địa phương.
Đặc biệt, vừa qua anh Y Jút đã để lại dấu ấn, là người truyền cảm hứng khi cùng với gia đình anh Dương Văn Tho ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm tự mở lớp chiêng Kram và lớp múa miễm phí cho 15 em nhỏ là người dân tộc Ê Đê.
Trong suốt 3 tháng, dù phải đi hơn 10 km hàng đêm trong mưa gió nhưng anh Y Jút vẫn nhiệt tình, tâm huyết đến để truyền dạy cho các em những bài chiêng, bài múa.
Anh Y Jút chia sẻ: “Lớp trẻ bây giờ rất ít người biết sử dụng được các loại nhạc cụ truyền thống vì họ không đam mê. Với mong muốn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình nên nếu địa phương hay gia đình nào mở được lớp thì mình sẵn sàng truyền dạy miễn phí cho các em, các cháu những gì mình biết”.
Còn cô giáo H’ Brai Byă (dân tộc M’nông) ở buôn Tul, xã Yang Mao là giáo viên Trường Tiểu học Yang Mao lại có cách bảo tồn những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình bằng cách khác. Hơn 2 năm qua, cô đã ghi lại bằng điện thoại và biên tập khoảng 400 clip giới thiệu về những món ăn truyền thống, những nghi lễ, phong tục, tập quán của người Ê Đê, M’nông trên chính những buôn làng, gần nơi cô sinh sống sau đó tải lên kênh Yotube với tên HOA BLANG.
Những clip giới thiệu về hàng chục món ăn và cách làm các món ăn truyền thống, cách làm men rượu cần, làm rượu cần truyền thống. Hàng chục clip ghi lại trọn vẹn các nghi lễ, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào Ê Đê, M’nông như: Lễ cúng bến nước, lễ đám hỏi, lễ cúng vòng đời cầu an, lễ cúng kết nghĩa anh em; các buổi diễn tấu cồng chiêng trong các lễ của nhiều gia đình, của buôn làng với hàng trăm lượt truy cập.
Ngoài ra cô còn quay lại phong cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên với những thác nước, những căn nhà sàn dài truyền thống, những vật dụng quen thuộc của người Ê Đê, Mnông nơi cô sinh sống.
Cô H’Brai chia sẻ: “Phong tục, tập quán của người Ê Đê, M’nông ở vùng sâu đang có nguy cơ bị mai một. Lớp trẻ bây giờ có xu thế tân thời, ít người quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mình muốn ghi lại những hình ảnh về các nghi lễ của người Ê Đê, M’nông; cách làm những món ăn truyền thống để cho mọi người quan tâm vào xem và lưu lại cho thế hệ sau biết”.
Chưa làm được nhiều song cách làm hay mà anh Y Puên, anh Y Jút, cô giáo H’Brai đam mê, mong muốn được cống hiến để bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống là tín hiệu đáng mừng cần được nhân rộng.
Để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mang lại kết quả thì các cấp cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích thỏa đáng đối với đội ngũ nghệ nhân trong các buôn làng để họ truyền dạy cho lớp trẻ; ngoài việc đứng ra tổ chức thì các địa phương cũng nên khuyến khích mở các lớp dạy theo hướng xã hội hóa như mô hình dạy chiêng Kram cho trẻ của gia đình anh Dương Văn Tho ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm; thường xuyên tổ chức các lễ hội quy mô từ buôn làng đến cấp huyện điển hình như mô hình liên hoan văn hóa cồng chiêng của xã Cư Pui;
Đặc biệt, cần thực hiện nhiều giải pháp, truyền cảm hứng nhằm khơi dậy tình yêu, lòng đam mê văn hóa truyền thống, niềm tự hào của đồng bào Tây Nguyên đối với lớp trẻ để họ thêm yêu và tự giác tìm hiểu, học tập ngay trong cộng đồng buôn làng, trong nhà trường, trên mạng xã hội. Từ đó ý thức được trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.