Cuộc chiến chống ma túy: Phòng ngừa phải là chính

H.Vũ 14/11/2020 06:10

Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Nhiều vị ĐBQH bày tỏ băn khoăn khi các biện pháp “phòng” trong luật là quá ít, bởi khi đã để xảy ra nghiện thì hơn 90% người sau cai nghiện lại tái nghiện.

Ngăn ngừa phát sinh thêm người nghiện

Nhiều ĐB đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

ĐB Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trên 18 tuổi và dưới 18 tuổi trong Dự thảo luật có sự phân biệt khi thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi là 6 tháng, chỉ bằng một nửa so với người trên 18 tuổi.

Theo bà Linh, độ tuổi không nói lên thời gian sử dụng, tiếp cận ma túy hay liều lượng sử dụng nhiều hay ít, nhất là tình hình học sinh sử dụng trái phép chất ma túy đang có chiều hướng phức tạp. Do đó cần xem xét điều chỉnh quy định này cho hợp lý hơn.

ĐBQH Phạm Văn Hòa thảo luận tại hội trường, sáng 13/11. Ảnh: Quang Vinh.

Về vấn đề cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được nêu trong Dự thảo luật, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để giảm chi ngân sách, giảm tải cho các cơ sở cai nghiện ma túy; mặt khác đối tượng được gần gũi gia đình, dễ hòa nhập cộng đồng sau cai. Tuy nhiên, cần làm rõ về thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp giám sát để phòng ngừa việc lợi dụng việc này để không đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, khi ở nhà vẫn tiếp tục sử dụng ma túy.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), cần phân biệt rõ giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy do không chỉ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện và cũng không xác định được sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện.

“Do đó, việc phân biệt chính xác hai diện đối tượng này để có biện pháp tương xứng về pháp luật là rất cần thiết và quan trọng. Đối tượng nào thì biện pháp đó” - bà Thủy nói đồng thời cho rằng, trước năm 2009 thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên sau khi có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này, coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy thì Bộ luật Hình sự đã không quy định đây là tội danh. Do đó đã dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng người nghiện trong thời gian qua.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy thảo luận tại hội trường, sáng 13/11. Ảnh: Quang Vinh.

Vì vậy, theo bà Thủy, cần ngăn ngừa phát sinh thêm người nghiện ma túy. Quản lý người sử dụng chất ma túy và có biện pháp từ sớm, chặt chẽ mới mang lại hiệu quả. Đồng thời có chế tài đối với người không chấp hành xét nghiệm ma túy; nhưng năm 2019 đã có 235 ngàn người nghiện, tăng 60% trong khi đây mới chỉ là số liệu thống kê người cai nghiện còn trong thực tiễn số liệu còn cao nhiều.

Hay như vụ án ca sĩ Châu Việt Cường giết người yêu; bé 3 tuổi tại Hà Nội chết do bố mẹ đánh đập sau khi sử dụng ma túy; nữ sinh năm thứ 1 Học viện Ngân hàng bị kẻ nghiện giết tại Thường Tín để lấy tiền để mua ma túy, ĐB Nguyễn Hữu Chính - Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho rằng, cần tăng cường biện pháp phòng, quản lý người sử dụng ma túy là cần thiết và cấp bách hiện nay để đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.

“Không phải việc ngăn chặn ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân mà cần có biện pháp ngăn chặn người nghiện có hành vi vi phạm pháp luật. Vì nhà có một người nghiện không chỉ ảnh hưởng tới người thân trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến người khác trong xã hội” - ông Chính nói.

Biện pháp vận động chưa hiệu quả

ĐB Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) cho rằng, quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với các cơ quan chức năng là điều khó khả thi. Đại biểu cho rằng ngoài việc lo sợ xã hội xa lánh, theo quy định hiện hành người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền. “Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không, nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó khả thi”- ông Nhất nói và cho rằng cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong phòng chống tái nghiện.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng, tên luật là phòng chống sử dụng ma túy nhưng vấn đề “phòng” còn mờ nhạt. Chủ yếu là các biện pháp “vận động”, “kêu gọi” là chưa hiệu quả. Nhất là hiện nay số người nghiện ngày càng tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Như năm 2019 có đến hơn 235 ngàn người nghiện, tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa khi 75% người nghiện dưới 35 tuổi, chưa kể số người nghiện ngoài cộng đồng còn chưa thống kê được. Ma túy đã xâm nhập len lỏi vào tận nhà trường, học đường đã cho thấy thời gian qua việc “phòng” là chưa đủ mạnh. Nếu lần này luật chỉ “hô hào”, các quy định không thực hiện thì cũng không làm sao.

“Phòng để con em không tiếp cận, sử dụng ma túy. Ngăn chặn để thế hệ trẻ không trở thành người nghiện, còn người nghiện rồi sau cai không bị tái nghiện nữa. Do đó cần quy định một chương riêng về vấn đề trách nhiệm của cơ quan nhà nước, gia đình và nhà trường để phòng chống ma túy”- bà Dung nói.

H.Vũ