Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn bất cập
Tổng công ty Sông Hồng bị mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu, số lỗ lũy kế lớn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty không được bảo toàn. Một lần nữa, sức khoẻ của các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được cảnh báo.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, tổng doanh thu toàn Tổng công ty cổ phần Sông Hồng năm 2019 là 68 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 của Tổng công ty tiếp tục âm 72,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu năm 2019 toàn Tổng công ty là âm 666 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, Tổng công ty không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (dưới 1 năm). Nợ ngắn hạn của Công ty mẹ tại ngày 31/12/2019 là 1.117 tỷ đồng, cao hơn số dư tài sản ngắn hạn (tài sản ngắn hạn tại ngày 31/12/2019 là 505,2 tỷ đồng). Tổng công ty đang bị mất cân đối tài chính, một phần nợ ngắn hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản dài hạn và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục…
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty khẩn trương xây dựng các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản đầu tư, cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục của Tổng công ty.
Tổng công ty cổ phần Sông Hồng là doanh nghiệp nhà nước chuyên hoạt động thi công xây dựng, đã thực hiện nhiều công trình, dự án lớn trên cả nước.
Năm 2010, Bộ Xây dựng cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại tổng công ty này, thu về 61,5 tỉ đồng. Phần vốn nhà nước còn lại khoảng 132 tỉ đồng, chiếm 49,04% vốn điều lệ.
Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Hồng không triển khai được dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính ngày càng bết bát.
Không chỉ Tổng công ty Sông Hồng, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng trong hiện trạng kinh doanh thua lỗ, bết bát. Kết thúc năm tài chính 2019, có 12 tập đoàn, tổng công ty (TCty) còn lỗ lũy kế là hơn 7.440 tỷ đồng với nhiều đơn vị có số lỗ lớn cả nghìn tỉ đồng như Tổng Công ty Hàng hải, Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tổng công ty Cà phê (Vinacafe)
Nhìn thực trạng bức tranh về doanh nghiệp nhà nước có thể thấy sự phát triển của khu vực DN này vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Trình độ quản trị của DN còn thấp, thiếu tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hạn, các doanh nghiệp có khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến hiệu quả hoạt động ngày càng đi xuống.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, doanh nghiệp Nhà nước đã bộc lộ nhiều bất cập như hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác, các chỉ tiêu về thu ngân sách, tạo việc làm... ngày càng giảm; Vai trò dẫn dắt, điều tiết hoặc định hướng của doanh nghiệp Nhà nước chưa được thể hiện rõ, sức lan tỏa chưa cao; Chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp thấp...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, có quá nhiều cơ quan giám sát nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn làm ăn không hiệu quả là hệ quả của lối làm ăn tập thể. Mỗi văn bản ban hành ra có rất nhiều ý kiến tham gia, nhưng không rõ trách nhiệm của công việc giám sát, thanh tra, kiểm toán… nên các cơ quan không hiểu nhiệm vụ của mình là gì, dễ buông lơi, không làm, dễ đổ trách nhiệm…