Nợ lương
Chuyện doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn khi sản xuất, kinh doanh cũng thường diễn ra. Đặc biệt trong năm nay, khi cả thế giới, trong nước đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp phá sản, hay bị lâm vào tình trạng nợ lương người lao động.
Mới đây, hàng trăm tài xế, người lao động của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (TP Đà Nẵng) đã phải đình công để phản đối tình trạng nợ lương. Tình trạng này đã diễn ra nhiều lần. Nguyên nhân cũng vẫn lại là vấn đề chậm trả lương, nợ lương. Lần này người lao động đã bị nợ lương đến 3 tháng, lại không được nhận tiền hỗ trợ Covid-19…
Thời hiện đại, công ty nào cũng đòi hỏi yêu cầu công việc rất khắt khe với người lao động, nhất là các công ty nước ngoài đầu tư. Thế nhưng tình trạng chậm lương, nợ lương xảy ra cả các công ty trong nước và các công ty nước ngoài. Thậm chí người lao động của một số dự án lớn ở ngay Thủ đô Hà Nội còn bị nợ lương hàng năm.
Người lao động đi làm, chủ yếu trông vào đồng lương để sống và đảm bảo cuộc sống cho gia đình, chăm sóc cha mẹ già, nuôi con cái ăn học. Đồng lương đã thấp, vốn đã không đủ trang trải. Năm nay đã không được tăng hệ số lương, năm tới cũng không được tăng. Lại ngành ngành tăng phí, từ địện, nước, xăng xe…nay lại dự kiến tăng học phí các bậc học. Nếu người lao động còn bị nợ lương thì biết trông cậy vào đâu?
Điều 96 Bộ Luật Lao động 2012 quy định “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.
Quy định là vậy, tuy nhiên, đã không ít doanh nghiệp vẫn chậm lương, nợ lương và không trả thêm. Đành rằng không ít doanh nghiệp khó khăn từ kinh doanh, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chưa thực sự chăm lo, quan tâm đến người lao động.
Việc nợ lương quá thời gian quy định không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động, mà còn vi phạm pháp luật. Cần quan tâm trước hết đến đời sống người lao động và gia đình họ. Đây là vấn đề cần cảnh báo, nhắc nhở các chủ doanh nghiệp phải lưu tâm.