Học phí rậm rịch tăng
Bộ GDĐT đề xuất từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%; học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021. Dư luận băn khoăn: Tăng học phí đặt ra lúc này có hợp lý không khi mà năm 2020 là một năm đầy khó khăn, và khó khăn có thể còn kéo dài sang năm sau.
Cân nhắc lộ trình phù hợp
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GDĐT.
Theo đó, Bộ GDĐT đề xuất tăng 7,5% mỗi năm với học phí mầm non, phổ thông. Khung học phí này đề xuất áp dụng từ năm học 2021-2022. Việc tăng học phí đối với bậc mầm non - tiểu học (cấp học đang được nhà nước hỗ trợ học phí) được cho là sẽ tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này, mà người thụ hưởng trực tiếp là người học.
Đối với cấp THCS và THPT, theo Bộ GDĐT, việc tăng học phí giúp các trường có thêm nguồn kinh phí đầu tư vào các hoạt động hỗ trợ người học như định hướng nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ phụ huynh, chị Nguyễn Phương Thanh (quận Thủ Đức, TP HCM) cho rằng năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19, công ty chị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng không có công trình, nhân viên đã xin nghỉ gần hết. Những người gắn bó lâu năm và tuổi đã cao như chị vẫn trụ lại nhưng mức lương giảm chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với lúc trước. Nếu tình hình năm sau không khả quan hơn, công ty phá sản thì sẽ phải tìm công việc khác với mức lương dự đoán cũng không cao vì tình hình khó khăn chung. Trong bối cảnh đó, việc tăng học phí sẽ khiến gia đình chị gặp khó khăn vì có 2 con đang trong độ tuổi đi học.
Đây cũng là bài toán chung của nhiều gia đình khi dịch bệnh khiến thu nhập của người lao động giảm đi, cuộc sống bình thường đã phải thắt chặt chi tiêu. Việc tăng học phí nếu áp dụng từ năm sau sẽ ít nhiều tăng thêm gánh nặng với người lao động.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Trần Hồng Quân cho rằng với bậc học phổ thông, việc nâng cao dân trí là trách nhiệm của Nhà nước. Đề xuất tăng học phí của Bộ GDĐT cần thận trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra, một bộ phận người dân gặp khó khăn khi không có việc làm, việc làm bấp bênh hoặc gia đình bị mất hết tài sản trong đợt lũ lụt....
Bên cạnh đó, ông Quân cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách nhân văn mà dự thảo đề xuất như: Bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí theo lộ trình. Bởi đây là những đối tượng thực sự khó khăn, để huy động được các em đến trường đã là một sự cố gắng của các thầy cô, ngành giáo dục địa phương. Nếu có thêm những chính sách nhân văn được áp dụng thì sẽ càng giúp thúc đẩy giáo dục vùng khó, vùng sâu vùng xa…
Học phí ĐH: Không nên áp “cứng”
Đối với đề xuất tăng học phí ở bậc ĐH, ông Trần Hồng Quân cho rằng Nhà nước cần đưa ra lộ trình, có định hướng chung còn mức cụ thể phải để các trường tự tính. Bởi hiện nay, đã giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thì hãy để các trường tự cân đối và làm theo luật. Nhà nước giám sát để đảm bảo công bằng cho người học.
Nhấn mạnh Nhà nước không nên “áp cứng” học phí của các trường, ông Quân nêu ví dụ nếu trường tự thấy đủ sức hấp dẫn để kéo học sinh về trường thì họ có thể tăng hơn cả mức học phí đề xuất. Ngược lại, có những trường tính toán nếu tăng học phí mà thiếu hụt sinh viên thì chưa chắc họ đã tăng.
“Lộ trình tăng học phí bù đắp phần nào chi phí đào tạo thì Nhà nước có thể nghiên cứu để tạo ra một định hướng chung còn nếu đưa ra con số cụ thể thì rất khó vì mỗi trường đào tạo khác nhau, nhu cầu của thị trường giáo dục cho từng ngành nghề cũng khác nhau” - ông Quân đề xuất.
Đồng tình với quan điểm không nên áp quy định tăng học phí cứng đối với các trường, GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, các trường muốn tăng bao nhiêu cần có lộ trình và thông báo rõ ràng để tránh gây sốc cho người học. Đây cũng sẽ là một yếu tố cân nhắc khi thí sinh chọn trường để đăng ký nên cần thông báo sớm. Trách nhiệm của Nhà nước là giám sát để việc tăng học phí cuối cùng nhằm đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Cần có những nghiên cứu kỹ, giải trình trách nhiệm khi đưa ra bất kỳ một con số học phí nào… Đi kèm với đó là đề xuất các trường phải thực hiện lộ trình đạt kiểm định tương ứng với lộ trình tăng học phí để tránh trường hợp thu học phí cao nhưng chất lượng kém.
Ông Trần Hồng Quân cũng đề xuất cần nghiên cứu lại chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng chính sách. Cụ thể, việc tài trợ cho các đối tượng chính sách xã hội thì phải từ ngân sách nhà nước, không nên “ép” các trường. Ông nhìn nhận, hiện nay vay để đi học là một chính sách tốt. Vấn đề là làm sao để người dân yên tâm vay với những ưu đãi của Nhà nước như cho vay thì thời gian hoàn trả chậm, không có lãi suất hoặc lãi suất thấp…. Như ở Thụy Điển, giáo dục phổ thông là miễn phí. Còn giáo dục ĐH, họ khuyến khích cho vay và chính sách rất thuận lợi cho người học. Người học phải có trách nhiệm để sau này khi ra làm phải trả lại. Điều đó tạo ra động lực học vì tự mình đầu tư nâng cao trình độ của mình nên rất có ý nghĩa.
Xung quanh đề xuất của Bộ GDĐT về tăng học phí ở tất cả các cấp học đang làm “nóng” dư luận xã hội, ông Phạm Ngọc Thưởng- Thứ trưởng Bộ GDĐT giải thích, việc xây dựng dự thảo Nghị định “Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo”, nhằm thay thế cho Nghị định số 86.
Theo đó, chính sách học phí và hỗ trợ chi phí học tập đang được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (ngày 2/10/2015) của Chính phủ, quy định về “Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020-2021”. Do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020-2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GDĐT thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng nghị định thay thế.
Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng cho biết, hiện đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất cho gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022.
Dung Hòa