Giám định tâm thần: Phức tạp và kẽ hở
Lâu nay việc giám định tâm thần có nhiều kẽ hở, trong đó bất cập lớn nhất là quy trình giám định chưa khép kín, thiếu cơ chế kiểm soát và cũng thiếu chế tài xử lý vi phạm.
Phía Bộ Y tế cho rằng, đây là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, cán bộ làm công tác giám định còn phải có kiến thức về pháp lý.
Tại Hội nghị sơ kết và xây dựng tài liệu chuyên môn lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Công tác chuyên môn về pháp y tâm thần được giao cho 2 viện là Viện Pháp y tâm thần trung ương, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa và 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực (gồm miền núi phía Bắc, miền Trung, TP HCM, Tây Nam bộ, Tây Nguyên). Các đơn vị này, ngoài thực hiện chức năng do Bộ trưởng Bộ Y tế phân công, còn phải tuân thủ theo sự điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án hình sự. Hiện 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực mới chỉ thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu và theo yêu cầu của cơ quan tư pháp.
Hiện Viện Pháp y tâm thần trung ương và Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, ngoài thực hiện giám định còn phải tiếp nhận điều trị bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-C P. Việc điều trị bắt buộc chữa bệnh còn triển khai tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh: Lĩnh vực giám định pháp y tâm thần là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, cán bộ làm công tác giám định còn phải có kiến thức về pháp lý, kỹ năng giao tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, các đơn vị đã thực hiện 1281 vụ giám định pháp y tâm thần (trong đó có gần 800 vụ án hình sự và gần 500 vụ án hành chính, dân sự) và 201. 101 vụ khám sức khỏe tâm thần phục vụ kết hôn với người nước ngoài, lập di chúc…Việc giám định được thực hiện nội trú hoặc tại phòng khám, giám định tại chỗ.
Tuy nhiên, theo TS Thái, công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh hiện đang gặp khó khăn. Các đơn vị không có khoa chuyên trách được thiết kế phù hợp cho người bệnh bắt buộc chữa bệnh. Việc quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh ở lẫn với bệnh nhân thông thường khác rất khó khăn do người bệnh bắt buộc chữa bệnh ngoài vấn đề về tâm thần còn có các nét nhân cách, tính cách của phạm nhân rất khó lường, nguy hiểm.
Bên cạnh nhu cầu giám định pháp y tâm thần và điều trị bệnh tâm thần ngày càng tăng dẫn đến thiếu nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất thiếu, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, chế độ chính sách thiếu thực tiễn… còn có thực tế đáng lo ngại là nhân viên y tế chỉ được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ y tế, chưa được đào tạo kiến thức, trang bị các biện pháp hỗ trợ hay giao chức năng nhiệm vụ quản lý phạm nhân. Khi người bệnh trốn viện, việc thực hiện nhiệm vụ truy tìm và đưa người bệnh trở lại điều trị rất vất vả, thách thức và thậm chí nguy hiểm tính mạng đối với cán bộ y tế vì không có chuyên môn nghiệp vụ.
TS Thái cho rằng, để giải quyết được những khó khăn, bất cập như hiện nay trong hoạt động điều trị bắt buộc chữa bệnh, thực hiện Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi Nghị định số 64/2011/NĐ-CP, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan y tế được giao nhiệm vụ điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh, đó là chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn y tế (không chịu trách nhiệm quản lý người bị bắt buộc chữa bệnh).
Cơ quan công an có trách nhiệm quản lý toàn bộ số người bị bắt buộc chữa bệnh tại các cơ sở điều trị; đồng thời quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật phòng ốc trong cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh theo đúng quy định để bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh và cho các y, bác sĩ. Cùng với đó, điều chỉnh Khoản 1, Điều 14 Nghị định 64/2011/NĐ - CP ngày 28/7/2017 của Chính phủ, quy định tổ chức cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Sự phối hợp với cơ quan tố tụng để đưa người bệnh trốn viện quay trở lại bắt buộc chữa bệnh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khi người bệnh đang điều trị bệnh tâm thần mà phát sinh các bệnh khác ngoài bệnh tâm thần phải đi điều trị theo chuyên khoa sâu, đơn vị thực hiện bắt buộc chữa bệnh gặp khó khăn trong công tác quản lý, nhất là vấn đề ăn ở, đi lại.