Ngã Tư Sở vẫn... khổ
Lâu nay, người dân Hà Nội đã quen với biệt danh “ngã tư khổ” (Ngã Tư Sở), bởi nơi đây trong nhiều năm qua vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm.
Những tưởng sau khi Hà Nội xây hàng loạt cầu vượt, cải tạo nâng cấp các tuyến đường phụ cận, làm mới đường vành đai 2 trên cao sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Ai ngờ...
Từ ngày 9/11, TP Hà Nội chính thức thông xe đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, nhằm giảm áp lực giao thông cho tuyến đường bên dưới. Tuy nhiên trái với kỳ vọng, tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng không những tiếp tục tái diễn mà còn trầm trọng hơn. Hàng đoàn người xe “xếp hàng” rồng rắn, ken đặc đường không thể nhúc nhích trong giờ cao điểm.
Hiện, cơ quan chức năng của TP Hà Nội chưa chỉ ra được nguyên nhân chính của việc vì sao sau khi “thêm đường” lại xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn. Song, theo một số chuyên gia giao thông thì khi xây dựng đường vành đai 2 trên cao, các cơ quan chức năng đã chưa tính hết được hiệu quả hay “tác dụng phụ”. Chính vì thế mà ngay sau khi thông đường vành đai 2 trên cao, ùn tắc giao thông càng trở nên nghiêm trọng.
Hiện, không chỉ đường vành đai 2 trên cao, mà nói chung việc cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường của TP Hà Nội đang tồn tại một số bất cập. Đó là khi xảy ra ùn tắc nghiêm trọng tại các tuyến đường, các nút giao thông thì cơ quan chức năng mới tìm cách khắc phục, chứ chưa có những giải pháp đi trước, đón đầu để xử lý vấn đề ùn tắc giao thông trước khi nó xảy ra. Nói một cách dễ hiểu là thiếu tính toán, cứ sai đâu sửa đấy.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chính là công tác quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện một cách quy mô, bài bản để có thể giải quyết một cách tổng thể vấn nạn ùn tắc giao thông. Cũng vì phát triển hạ tầng giao thông một cách manh mún nên không thể giải quyết bài toán chung về giao thông trên địa bàn toàn thành phố.
Có thể lấy ngay ví dụ về việc phát triển mạng lưới xe buýt nhanh (BRT) của Hà Nội. Cũng vì cách làm nôn nóng, thiếu tính toán, nghĩ sao làm vậy nên TP Hà Nội đã quyết định đầu tư hàng “mớ” tiền để mua xe buýt, “xẻ” một số tuyến đường để dành cho BRT hoạt động, dẫn đến thất bại gây lãng phí tiền thuế của dân. Thay vì tạo hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, BRT lại là tác nhân gây ra ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng.
Làm sao có thể không thêm ùn tắc giao thông khi có những tuyến đường đã bé, lại bị cơ quan chức năng “xẻ” ra tới 1/3 đường “để không” (lượng BRT lưu thông không nhiều do thiếu hành khách) không cho phương tiện khác đi vào. Thay vì có khoảng 5-6 m mặt đường cho các loại phương tiện lưu thông, thì các phương tiên giao thông lại phải “chen vai thích cánh” trong 2/3 đường còn lại.
Tóm lại, theo các chuyên gia giao thông thì việc ùn tắc giao thông tại khu vực đường vành đai 2 trên cao nói riêng và các tuyến đường nội đô nói chung, đều là do thiếu quy hoạch tổng thể về hạ tầng giao thông. Chính vì làm theo kiểu chắp vá, hỏng đâu sửa đấy, vướng đâu gỡ đấy, không tính được trước các vấn đề phát sinh nên vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ còn dài dài. Và tất nhiên Ngã Tư Sở sẽ vẫn còn... khổ.