Cô ơi, em muốn nói…

Th.Anh 15/11/2020 08:00

Khoảng 6 năm trước, khi phát hiện một tờ giấy nhỏ kẹp dưới trang giáo án với vẻn vẹn dòng chữ “Cô ơi, con chỉ muốn chết”, cô Nguyễn Thị Cẩm Linh - giáo viên Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã giật mình, sửng sốt. Phải làm gì để không xảy ra những trường hợp như thế này đây?

Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh kể: Tôi đã rất lo lắng khi nhận được những dòng chữ kia. Đó là tâm sự của một học sinh vốn rất hiền lành trong lớp. Ngay lập tức, tôi gặp riêng em học sinh, hỏi han, tâm sự rất lâu, em mới cởi mở trải lòng. Hóa ra, em học sinh này có mâu thuẫn với một em khác cùng lớp. Hôm ấy em đã chọc thước kẻ vào mắt bạn kia, bạn nói xin lỗi không thôi chưa đủ mà phải cầm thước kẻ để chọc lại mắt mình thì mới là xin lỗi thực sự.

Nhận thấy học trò đang có biểu hiện bất thường về tâm lý, cô Linh đã trao đổi lại với phụ huynh và được biết, trước đây em đã từng phải điều trị tâm lý. Lúc này bệnh tái phát, em có những dấu hiệu tự kỷ hành vi.

“Từ đó tôi mới nghĩ, tại sao mình không tạo cho các em cơ hội được nói lên suy nghĩ, tâm tư của mình. Khi các em viết thư cho mình, tức là đang cần sự giúp đỡ. Tôi thấy nên tạo ra cái gì đó riêng tư trong lớp để các em được nói lên tâm sự của mình. Đó là lý do tôi thực hiện hòm thư “Điều em muốn nói” - cô Linh chia sẻ.

Nhưng điều đặc biệt của hòm thư này là do chính các em học sinh tự tay làm từ những vật liệu tái chế như tăm tre, que kem hay các mảnh ghép lego. Mỗi năm, mỗi một lớp học trò, hòm thư lại có những diện mạo khác nhau, thế nhưng nơi chất chứa những tâm sự thầm kín nhất ấy luôn có một người sẵn sàng lắng nghe và giải quyết mọi vấn đề.

Cuối ngày, hòm thư “Điều em muốn nói” được cô Linh mở ra, khúc mắc nào cần phải tháo gỡ ngay đều được cô ghi chép lại, ưu tiên giải quyết trước. Cô đã trở thành chuyên gia tâm lý học trò theo một cách rất tự nhiên.

Nói về những câu hỏi, những điều lo lắng của các em, cô Linh kể: “Có bạn chỉ đơn giản hỏi cô ơi, dùng băng vệ sinh như thế nào? Cô ơi, mẹ con ăn mặc không đứng đắn, cứ mặc váy ngủ trong nhà? Cô ơi, con muốn trả thù bạn? Cô ơi, tại sao bố mẹ chửi bậy thì được mà chúng con thì lại không?”…

Những câu hỏi dù nhỏ nhất của học trò đều được cô Linh trả lời một cách nhẹ nhàng, thấu đáo, không né tránh, không nói dối. Những lá thư đã giúp cô Linh hiểu học trò hơn và phối hợp nhịp nhàng với gia đình trong việc giáo dục con cái. Với những câu hỏi quá hóc búa, sẽ có sự trợ giúp của Ban giám hiệu và cả chuyên gia tâm lý thực thụ để cho các em những câu trả lời thuyết phục.

Có thể thấy, mô hình hòm thư “Điều em muốn nói” đã tác động tích cực tới mối quan hệ giữa thầy và trò, làm khăng khít hơn mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con cái. Trong môi trường giáo dục còn có quá nhiều vấn đề được đặt ra, thì những hòm thư yêu thương như thế này, quả thực rất cần được nhân rộng.

Th.Anh