Lo ngại ngộ độc từ bếp than
Thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ ngộ độc khí than. Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc khí than là do thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người, chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần, tình cảm, lý trí lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Đã có nhiều người bị mất trí tuệ, thậm chí tử vong vì ngộ độc khí than.
Ngộ độc khí CO khiến tế bào não bị tổn thương
Khoảng 6h15 ngày 6/11, chị T. T. T.,19 tuổi, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và 4 người thân ở cùng một nhà nhập Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt và khó thở. Người nhà cho biết, chị T. mới sinh, do trời trở lạnh nên đóng kín cửa phòng đốt than sưởi ấm và dẫn đến vụ ngộ độc này. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu phù não. Các bác sĩ xác định bị ngộ độc khí CO từ bếp than.
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, CO là khí không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu, nạn nhân có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực. Ngộ độc khí CO khiến tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não. Nạn nhân không được điều trị kịp thời sẽ bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân ngạt khí CO được cứu sống thì mắc các di chứng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
Thực tế, ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong các loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh – tâm thần cao (chiếm 4-40%). Khí CO được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon, là chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do vậy, khi bị ngộ độc thường khó phát hiện đến khi người bệnh nhận biết được mình bị nhiễm độc thì họ không còn khả năng gọi cấp cứu nữa.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy trong không khí sẽ tiêu hao dần, khí CO hoặc CO2 độc hại sẽ ngày càng tăng. Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Người hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh, tử vong rất nhanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.
Sơ cấp cứu khi ngộ độc khí CO
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các triệu chứng nhiễm độc khí CO biểu hiện khác nhau và tùy theo mức độ hít phải khí này ít hay nhiều, nạn nhân có những triệu chứng như: Đối với ngộ độc nhẹ, nạn nhân đau đầu nhẹ, thở dốc, hơi buồn nôn, các triệu chứng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe trong thời gian dài. Nhiễm độc ở mức độ trung bình sẽ khiến nạn nhân đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, bị tê nhiều nơi trên cơ thể, ngất, thậm chí có thể tử vong nếu mức độ ngộ độc này kéo dài. Đối với nhiễm độc nồng độ CO tăng dần, nạn nhân sẽ bị co giật, bất tỉnh, tổn thương não vĩnh viễn, tim ngưng đập và tử vong.
Cũng theo các bác sĩ, khi không may ngộ độc khí CO cần phải biết cách xử lý sơ cấp cứu cho nạn nhân. Theo đó, thực hiện việc đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí để thở không khí trong lành; mở toang tất cả các cửa chính và cửa sổ; tắt bếp gas, khóa bình gas hay tắt ngay các lò đang đốt nhiên liệu….
“Với các nạn nhân đang bị nhiễm CO thì trước tiên phải di chuyển tất cả nạn nhân ra khỏi nơi ô nhiễm khí độc để hít thở không khí trong lành. Điều này giúp người hít nhẹ nhanh khỏi” - bác sĩ Nguyên cho biết. Ngoài ra, cần thực hiện hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, nếu nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở. Sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.
Về ngộ độc khí CO, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc khí CO thì không nên tự ý một mình xuống các giếng cạn, các hố sâu kín gió, các hồ chứa, bể chứa… nơi dễ có khí CO tồn tại. Trường hợp bắt buộc cần triển khai các biện pháp thông khí trước khi xuống, đồng thời phải có người hỗ trợ phòng trường hợp không may bị ngộ độc khí CO.
Ngoài ra, không nên sử dụng các loại bếp đốt than, củi, khí gas hoặc các động cơ sử dụng xăng dầu, khí gas trong các khu vực thiếu không khí như trong phòng, bếp, nhà tắm, nơi đóng cửa kín mít; Không bao giờ đốt than trong nhà, trong phòng, trong bếp đóng kín cửa; Không dùng khí đốt, than, củi, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm trong nhà…
40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người... Để phòng tránh ngộ độc khí than, người dân tuyệt đối không được sưởi ấm bằng than củi và đóng kín cửa hoặc sưởi ấm để tắm; hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, ôxy trong không khí sẽ tiêu hao dần, khí CO hoặc CO2 độc hại sẽ ngày càng tăng.