Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam không như kỳ vọng
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 4/1/2019 với kỳ vọng khám, cấp cứu, chữa bệnh về lĩnh vực chuyên ngành phụ sản và nhi khoa cùng với nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Thế nhưng từ khi thành lập đến này gần 2 năm bệnh viện đã không như kỳ vọng.
Từ kỳ vọng
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam được đầu tư gần 150,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương 85 tỷ và còn lại là ngân sách tỉnh.
Bệnh viện có quy mô 8 tầng trên diện tích xây dựng 807 m2 với 300 giường bệnh; khối kỹ thuật nghiệp vụ nhà 4 tầng với diện tích xây dựng 641 m2; khối Sản quy mô 150 giường bệnh tương lai có thể nâng cấp lên 300 giường bệnh.
Về tổ chức, bệnh viện có 1 giám đốc, không quá 3 Phó Giám đốc và các phòng, khoa chức năng, các tổ chức khác theo quy định.
Với quy mô và tổ chức chặt chẽ như vậy, vì Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc khám, cấp cứu, chữa bệnh, phục hồi chức năng về lĩnh vực chuyên ngành phụ sản và nhi khoa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành y tế, chăm sóc, phục vụ tốt hơn cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thế nhưng từ tháng 7/2019, Bệnh viện Nhi Quảng Nam chính thức đổi tên thành Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam và cũng chỉ mới chuyên khám và điều trị về nhi khoa, còn khoa sản vẫn chưa thể đi vào hoạt động khám chữa bệnh.
Đến thất vọng
Ông Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho hay, dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng do nhiều trở ngại nên hiện tại bệnh viện rất chật chội, đội ngũ y bác sĩ lẫn bệnh nhân đều mong sớm đưa các dãy nhà đã xây dựng xong đi vào hoạt động.
Bởi vì, UBND tỉnh có chủ trương và đã triển khai đầu tư chuyên khoa sâu về sản, nhi nhưng lại thiếu nhiều máy móc, thiết bị kỹ thuật; trang thiết bị cần thiết để đưa vào hoạt động khoa sản cũng chưa được đầu tư.
Trong khi đó, nếu lực lượng bác sĩ theo kế hoạch cần đến 63 người thì hiện tại bệnh viện mới chỉ có tổng số 39 bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ sản khoa vừa tuyển dụng nên đang được đưa đi đào tạo.
“Để giải quyết về nhân lực, bệnh viện đã chủ động rà soát từ các tuyến huyện để tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa sản đáp ứng yêu cầu cho chuyên khoa cấp tỉnh. Và dù đã khảo sát nhưng không thể tìm ra được nguồn nhân lực có sẵn để tuyển dụng. Để bệnh viện hoạt động và phát triển đúng theo chức năng nhiệm vụ được giao, cần có đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, chất lượng chuyên môn sâu” - bác sĩ Nguyễn Đức Hùng Sơn nói.
UBND tỉnh Quảng Nam cùng Sở Y tế tỉnh và các đơn vị liên quan đã có nhiều cuộc họp để tìm hướng tháo gỡ cho những tồn tại nêu trên. Tại buổi làm việc mới đây nhất, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đưa ra 2 phương án.
Theo đó, phương án 1 Sở Y tế đề nghị giải thể Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam và điều động toàn bộ nhân lực máy móc thiết bị y tế về Bệnh viện Phụ sản - Nhi.
Phương án 2, Sở Y tế điều động nhân lực chuyên khoa sản, chủ yếu là bác sĩ tại các đơn vị khác để tổ chức triển khai hoạt động các chuyên khoa Phụ sản song song với việc tuyển dụng và đào tạo thêm bác sĩ.
Thế nhưng cả 2 phương án trên cũng đều không khả thi.
Thứ nhất ngành sản phụ khoa của Quảng Nam hiện đang rất yếu nên không thể điều nguồn nhân lực từ các địa phương khác về.
Cụ thể: “chỉ có 43 người cho 24 đơn vị y tế thực hiện công tác sản khoa, trong đó có đến 6 người đang làm quản lý và 5 người sẽ nghỉ hưu từ nay đến năm 2025, do đó số lượng này chỉ đủ cho các đơn vị hoạt động tối thiểu” - bác sĩ Ẩn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết.
Bác sĩ Ẩn còn cho rằng, ở góc độ chuyên môn, sản phụ có các vấn đề khác sẽ rất khó nếu không được điều trị tại chỗ. Chưa kể, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tự chủ chi thường xuyên, đang trong giai đoạn ổn định, tiến tới tự chủ hoàn toàn; trong đó nguồn thu từ khoa sản tương đối lớn để bù đắp, chia sẻ nguồn thu cho những khoa khác
Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Sở Y tế khẩn trương bàn giao các khu cơ sở hạ tầng khu sản - nhi và nghiệp vụ kỹ thuật mới cho bệnh viện đi vào hoạt động; triển khai thực hiện hoàn chỉnh các khu còn lại.
Ông Tân cũng yêu cầu Bệnh viện Phụ sản - Nhi cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục sớm đầu tư mua sắm hệ thống oxy trung tâm và một số máy móc thiết bị cần thiết để đưa vào hoạt động khu - sản nhi mới.
Còn sáng ngày 16/11 trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đối với phương án tổ chức hoạt động Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2023 sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế chuyên ngành Nhi khoa, tổ chức kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người; tiến hành tuyển dụng bác sĩ và cử đi học chuyên khoa phụ sản, bên cạnh việc đào tạo nâng cao các chuyên ngành Nhi khoa, gây mê hồi sức, dinh dưỡng tiết chế...
Nhưng TS Mười thừa nhận: “Trong giai đoạn 2020 -2025, bệnh viện không có đủ kinh phí để chi trả lương cho số bác sĩ được tuyển dụng thêm, kinh phí hợp đồng bác sĩ, kinh phí cử cán bộ đi đào tạo, kinh phí mời Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu tại các đơn vị trong và ngoài tỉnh đến hỗ trợ cho bệnh viện nên cần có sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách kịp thời của tỉnh”.
Như vậy, những tồn tại của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam không thể giải quyết một sớm, một chiều, nghĩa là những kỳ vọng vào nó vẫn còn quá xa vời.